• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh công tác xóa nạn tảo hôn ở vùng cao

(Chinhphu.vn) – Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, trường học, đến nay người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi đã có nhận thức đúng đắn, từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn.

14/06/2023 13:38
Từng bước xóa bỏ nạn tảo hôn ở đồng bào vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm xóa tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi

Tại Quảng Ngãi trong những năm qua, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại vùng cao vẫn còn xảy ra, nhất là ở lứa tuổi các em còn là học sinh.

Là địa phương từng xảy ra nhiều vụ tảo hôn, nhưng nhờ linh hoạt trong công tác tuyên truyền, đến nay tại thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng tình trạng này đã giảm thiểu đi rất nhiều.

Chị Lê Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy cho hay nhờ thấu hiểu việc tảo hôn để lại những hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của người dân, Hội Phụ nữ thôn đã thực hiện mô hình đến từng nhà, vừa tuyên truyền vận động, vừa hỏi han để nắm bắt thực tế, để ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra.

Cụ thể, Chi hội đã thành lập CLB Gia đình nói không với trẻ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ban đầu chỉ có vài thành viên phụ nữ tham gia, giờ đã lên gần 20 người. Câu lạc bộ chú trọng việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức tuân thủ luật hôn nhân gia đình cho phụ nữ trong thôn, xóm.

"Xác định thay đổi nhận thức không phải ngày một, ngày hai mà đòi hỏi thời gian lâu dài, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vận động, tuyên truyền với mong muốn các em nhỏ không ai bỏ học vì tảo hôn, làm mẹ khi độ tuổi còn quá trẻ; từ đó từng bước góp phần nâng cao chất lượng đời sống chị em phụ nữ vùng cao ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn", chị Hương mong muốn.

Còn tại huyện Sơn Hà, thực hiện đề án giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cùng với chính quyền huyện triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giúp người dân hiểu được các hệ lụy từ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Từng bước xóa bỏ nạn tảo hôn ở đồng bào vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Tuyên truyền vận động xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến phụ nữ miền núi

Bà Đinh Thị Minh Sáng, Trưởng Ban Dân tộc huyện Sơn Hà cho biết với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nếu năm 2016 trên địa bàn huyện có 92 cặp vợ chồng tảo hôn, thì đến năm 2022 tình trạng này đã không xảy ra. Có 12 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng chính quyền địa phương đã nắm bắt, kịp thời tuyên truyền và thuyết phục người dân đồng thuận không tái diễn tình trạng này.

"Thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Với mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức của đồng bào và giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương", Trưởng Ban Dân tộc huyện Sơn Hà cho hay.

Từng bước xóa bỏ nạn tảo hôn ở đồng bào vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 3.

Lồng ghép tuyên truyền "nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết" vào trường học

Theo bà Lê Na, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, nhiều dự án, đề án triển khai để cùng ngăn chặn, đầy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi đã được triển khai. Tiêu biểu như dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025. Dự án đã được triển khai ở 5 huyện miền núi. 

"Hiện Quảng Ngãi xây dựng rất nhiều mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn và những mô hình này hoạt động có hiệu quả. Đồng thời Hội Phụ nữ cũng phối hợp với người uy tín tại cộng đồng, già làng, trưởng bản để nâng cao nhận thức cho người dân tại các huyện miền núi. Qua đó giúp người dân nhận thức đúng đắn, phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi thông tin.

Ngoài tuyên truyền, vận động tại nhà bằng nhiều hình thức của hội phụ nữ, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương miền núi triển khai các hội thi tìm hiểu pháp luật tại trường học, qua đó truyền tải thông điệp đến học sinh, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, trong đó có tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN, đến nay địa phương đã tổ chức được 05 hội nghị hội nghị phổ biến, tuyên truyền giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên; những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS DTNT đóng trên địa bàn các huyện miền núi; tổ chức hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Lưu Hương