Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Thứ nhất, Quảng Ngãi sẽ mở rộng điểm bán hàng bình ổn lên 21 điểm tại tất cả 14 huyện, thành phố trong đợt bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ này. Trong đó tại huyện đảo Lý Sơn, có 2 đơn vị sẽ tổ chức điểm bán hàng bình ổn gồm Siêu thị Quảng Ngãi (ngày 23-25 tháng Chạp với 9 nhóm hàng thiết yếu và 37 mặt hàng Việt Nam chất lượng cao) và Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi (30 ngày từ 1/1/2014 đến 30/1/2014 với các mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ).
Thứ hai, kéo dài thời gian phục vụ bán hàng bình ổn, nhất là ở các huyện xa xôi như Tây Trà, Sơn Tây để nhân dân có điều kiện mua sắm hàng Tết.
Thứ ba, kết hợp giữa bán hàng bình ổn với “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo sự phong phú đa dạng của các mặt hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Thứ 4, đợt bình ổn giá Tết năm nay chỉ tập trung bình ổn thời gian trước và cận Tết, không tổ chức bình ổn sau Tết. Vì sau tết nhu cầu mua sắm không đột biến tăng như trước đó.
Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống bán lẻ, đặc biệt là đơn vị được UBND tỉnh chọn tham gia bình ổn giá phải thực hiện đúng cam kết cung ứng đầy đủ số lượng, chủng loại, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký quyết định tạm ứng ngân sách tỉnh 27,5 tỷ đồng thực hiện bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Số kinh phí này sẽ được tạm ứng cho các đơn vị tham gia bình ổn gồm Công ty cổ phần lương thực Quảng Ngãi 5 tỷ đồng; Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn-Quảng Ngãi 8,5 tỷ đồng; Siêu thị Quảng Ngãi 10 tỷ đồng và Siêu thị Nghĩa Hành (4 tỷ đồng). Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm; trứng; bánh kẹo, rau củ, thực phẩm chế biến sẵn…
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Công Thương quản lý, sử dụng và hoàn trả vốn tạm ứng cho ngân sách tỉnh theo phương án được duyệt; kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng và thu hồi vốn tạm ứng của các đơn vị để hoàn trả cho ngân sách tỉnh đúng thời hạn.
Minh Phương