Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi dự báo, từ tháng 3 đến tháng 8, lượng mưa trên địa bàn sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 6 khiến mực nước trên các sông giảm dần, dẫn đến nguy cơ cao thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất vụ Hè thu.
Trong khi đó, nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp nên năng lực tích trữ nước cho sản xuất gặp khó khăn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong tổng số 807 công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn thì có 196 công trình được xây dựng từ những năm 1989 trở về trước.
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khoảng 58 hồ chứa nước, hiện đang triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 11 hồ chứa nước. Mặc dù vậy vẫn còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Theo kế hoạch, vụ Hè thu năm 2024, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi hơn 49.727 ha, trong đó có hơn 34.754 ha lúa và 14.974 ha cây trồng khác. Dự kiến tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn là hơn 3.000 ha, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa, còn lại là các cây trồng khác.
Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để chống hạn cho vụ Hè thu, địa phương sẽ tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm để trữ vào các ao, hồ, kênh chìm, kênh tiêu, phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả. Điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn.
Áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, ưu tiên vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau; bảo đảm nước theo nhu cầu và phù hợp với thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm.
Những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt như huyện Lý Sơn, khu đông huyện Bình Sơn, các xã ven biển huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ… sẽ tiến hành xây dựng kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu, từng bước thay thế nguồn nước từ tầng nông ở những vùng cạn kiệt do hạn hán.
Ở những vùng sản xuất xảy ra hạn hán quy mô lớn, tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn. Đóng giếng, lắp đặt trạm bơm điện tại khu tưới để chống hạn; nạo vét, sửa chữa kênh mương, không để rò rỉ, thẩm lậu nước, hạn chế xâm nhập mặn. Địa phương cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng, tải nước phục vụ sản xuất năm 2024.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền có công văn chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm mặn.
Theo đó, để bảo đảm nguồn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước.
Khẩn trương tổ chức nạo vét thông thoáng kênh mương, các hồ chứa, đập dâng bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định pháp luật, bảo đảm kịp thời tải nước phục vụ sản xuất Hè thu 2024.
Lưu Hương