Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các cơ quan chức năng tìm hiểu gạo ăn của dân làng Rêu, xã Ba Điền - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Trước đó ngày 17/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) giám sát tại xã Ba Nam, huyện Ba Tơ cho biết hầu hết người dân trong xã có thói quen sử dụng gạo ủ; 7/9 hộ được kiểm tra có lúa bị ẩm, mủn, vón cục, đóng thành mảng có mốc trắng; gạo được xay từ lúa ủ, sẫm màu, mủn, có nhiều hạt đen, hạt mốc.
Kiểm nghiệm 10 mẫu lúa gạo, hầu hết đều nhiễm nấm mốc A.fumigatus, A.flavus, Fusarium.spp, Penicillium.spp, A.candidus và độc tố nấm mốc Aflatoxin (G1, B1, G2, B2). Đặc biệt, mẫu gạo tại gia đình bệnh nhân mắc bệnh “lạ” Phạm Văn Trói (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) có hàm lượng Aflatoxin B1 cao hơn quy định của Bộ Y tế gấp nhiều lần.
Theo các chuyên gia y tế, độc tố Aflatoxin là một trong những tác nhân nguy hiểm gây tổn hại đến gan, nội tạng nếu sử dụng quá mức cho phép.
Ông Lê Huy, Chánh Văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Sở Y tế Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Ba Tơ và các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt khám sàng lọc, giám sát dịch tễ và triển khai công tác vệ sinh môi trường, truyên truyền cho người dân các biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể, từ ngày 07-26/4/2014, đã tổ chức khám sàng lọc tại 04 xã: Ba Vinh, Ba Nam, Ba Xa và Ba Tô (huyện Ba Tơ), phát hiện 35 trường hợp men gan tăng.
Hội chứng viêm da, dày sừng bàn tay, bàn chân chính thức ghi nhận từ ngày 19/4/2011 tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Lũy tích đến cuối tháng 4/2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 232 trường hợp tại 02 huyện: Ba Tơ (230 trường hợp) và Sơn Hà (02 trường hợp). Tử vong 14 trường hợp có hồ sơ bệnh án.
Lưu Hương