Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tập trung chỉ đạo, khắc phục nhanh chóng các thiệt hại sau bão
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Toàn tỉnh có 30 người chết, 1.609 người bị thương, 102.859 nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập, 5.008 nhà bị ngập, sạt lở, 5.509 cột điện các loại và khoảng 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ…
Bên canh đó, toàn tỉnh có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu cá bị chìm; 7.622 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 388.608 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 117.800 ha rừng trồng bị gãy đổ… Ước tính, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng gần 25.000 tỷ đồng.
Sau bão, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, khắc phục nhanh chóng thiệt hại, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tiện ích cơ bản như điện, nước, viễn thông... Hỗ trợ kịp thời cho người dân trên địa bàn để đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất.
Ông Cao Tường Huy cho biết thêm, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định theo đúng mục tiêu đặt ra. Tính chung 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,02%.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổng thể, toàn diện để giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công sau điều chỉnh là hơn 16.165 tỷ đồng. Vốn giải ngân đến 30/9/2024 đạt 4.592 tỷ đồng, bằng 32,2% kế hoạch vốn giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân 40%).
Quảng Ninh cũng chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng, có nhiều chuyển biến quan trọng trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.
Cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai những chính sách riêng nhằm bảo đảm an sinh xã hội như chăm sóc, trợ giúp người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, người nghèo; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng báo cáo những kết quả, nội dung cụ thể về triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của Quảng Ninh.
Cụ thể, về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2024, trong số 29 chỉ tiêu cụ thể thuộc các nhóm mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, đến nay có 25 chỉ tiêu đã đạt và vượt, 4 chỉ tiêu đã đạt từ 76,92% - 99,4%.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tính đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 98/98 xã (đạt 100% xã) đạt chuẩn nông thôn mới; có 56/98 xã (57,1% xã) hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 28 xã (28,57% xã) hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 4/7 huyện (57%) cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Ước 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh giảm 150/246 hộ nghèo, bằng 60,97% kế hoạch năm 2024; giảm 1.000 hộ cận nghèo, bằng 66,67% kế hoạch năm, bằng 32,64% trên tổng số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của tỉnh Quảng Ninh trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 cũng như đã làm tốt công tác thăm hỏi, chia sẻ với gia đình có người bị nạn; triển khai quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục hậu quả cơn bão, cùng với đó đã kịp thời ban hành một số chính sách khẩn cấp hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh… sau bão.
Kết quả đạt được rất đáng khích lệ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh tỉnh chịu tác động nặng nề bởi cơn bão số 3, những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh là rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng GRDP 9 tháng đạt khoảng 8%; công nghiệp tăng 5,12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,1%.
Các ngành, lĩnh vực vẫn duy trì tăng trưởng, dịch vụ ước tăng 13,55%; khách du lịch đạt trên 15,6 triệu lượt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,97%; xuất khẩu tăng 13,8%... Thu ngân sách nhà nước đạt 75,2% dự toán, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng và các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, xử lý, trong đó nổi lên là: Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; 6/16 khoản thu ngân sách nội địa đạt thấp (dưới 75%); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đạt 60% kế hoạch…
Tập trung mạnh cho khôi phục sản xuất
Phó Thủ tướng Thường trực một lần nữa nhấn mạnh, hậu quả thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với tỉnh là rất lớn (khoảng 25 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng thiệt hại cả nước), đòi hỏi cần nhiều thời gian, nguồn lực để khắc phục. Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, tập trung khôi phục các hạ tầng thiết yếu, tiếp tục hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa, đảm bảo đời sống của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, chú ý hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm.
Thực hiện hiệu quả, quyết liệt hơn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn cũng như quan tâm cải thiện môi trường đầu tư.
* Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã tới thăm Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (KCN Việt Hưng, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Tại Quảng Ninh, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đang đầu tư phát triển Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng trên tổng quy mô 400 ha tại Khu công nghiệp Việt Hưng với vị trí thuận lợi cho cả giao thương nội địa và quốc tế. Tổ hợp được quy hoạch các khu vực như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; nhà máy sản xuất pin và động cơ; khu vực kho; khu phụ trợ; khu dịch vụ…
Là dự án trung tâm tại Tổ hợp, nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đa thương hiệu đã được TC Group đầu tư xây dựng với quy mô hết sức khang trang. Nhà máy có tổng công suất thiết kế trên 120.000 xe/năm, dây chuyền thiết bị hiện đại, mức độ tự động hóa cao, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay TC Group là chủ đầu tư của 2 Tổ hợp công nghiệp ô tô và phụ trợ tại Ninh Bình và Quảng Ninh, bao gồm 4 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đa thương hiệu với tổng công suất thiết kế trên 300.000 xe/năm.
Chúc mừng TC Group đã đầu tư thành công ở Ninh Bình và bước đầu đầu tư tương đối bài bản ở Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nước ta có lịch sử phát triển ngành công nghiệp ô tô hơn 30 năm nhưng ô tô "thuần chủng" Việt Nam chưa có.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất ô tô trong nước là cố gắng tăng tỉ lệ nội địa hóa lên trên 80%, làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Trong khi chúng ta mới tính đến làm chủ công nghệ sản xuất ô tô truyền thống thì thế giới đã chuyển sang lĩnh vực xanh với các dòng xe điện, xe hybrid và trong tương lai chưa chắc đây đã là công nghệ cuối, nên phải đi trước, đón đầu.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghệ mới...
Nguyễn Hoàng