Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gia đình anh Nguyễn Đăng Lương, Khu 1, Thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô là hộ nông dân tiêu biểu từng được nhiều lần khen thưởng vì có thành tích trong sản xuất kinh doanh. (Ảnh: gia đình anh Lương nuôi ba ba, mang lại thu nhập cao).
Theo đồng chí Đặng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sau một năm thực Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến đầu năm 2011, UBND tỉnh đã hỗ trợ 1.163 lao động nông thôn học nghề, đào tạo bồi dưỡng 243 cán bộ, công chức xã, hỗ trợ 34,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn trung ương) cho việc trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho 12 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã gắn với cơ sở sản xuất, nhu cầu thực tế ở địa phương hoặc giúp người lao động tự tạo việc làm tại gia đình đạt hiệu quả cao thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi như: kỹ thuật nuôi cá, làm gốm, trồng nấm rơm, trồng mộc nhĩ...
Tại huyện Đông Triều, địa phương được chọn triển khai thí điểm thực hiện mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: ngay khi có quyết định triển khai đề án, huyện đã nhanh chóng thành lập BCĐ và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Huyện đã lựa chọn xã Kim Sơn, xã Bình Khê để chỉ đạo điểm 2 mô hình nông nghiệp và phi nông nghiệp như nuôi ghép cá nước ngọt thương phẩm (cá chép, trôi, trắm, chim, rô phi, mè) và sản xuất gốm thô. Kết quả tất cả học viên tham gia học đều có kỹ năng nghề tốt, có thể tự tổ chức sản xuất theo đúng thiết kế mô hình. Đặc biệt 100% học viên lớp sản xuất gốm thô đều có việc làm với thu nhập khá ngay sau kết thúc khóa học.
Những lao động tham gia học nghề tại xã Kim Sơn, Đông Triều chia sẻ, tham gia lớp học điều quan trọng nhất là giúp nông dân định hướng, lựa chọn đúng nghề để phát triển đạt hiệu quả. Kinh nghiệm thành công của những người học nghề cho biết là cần biết kết hợp kiến thức đã học với những điều kiện sẵn có trong gia đình để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trung tâm đào tạo và dạy nghề của Hội LHPN tỉnh mở các lớp đào tạo trồng mộc nhĩ trên thân cây keo, đã thu hút sự quan tâm của nhiều lao động ở nông thôn (Ảnh: người lao động đang thu hoạch mộc nhĩ trên thân cây keo).
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2011 là 133 lớp với 4.609 chỉ tiêu, bồi dưỡng 420 cán bộ, công chức xã, với 54 nghề đào tạo. Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Ban chỉ đạo, nhiều xã thành lập được Ban điều phối. Đề án cũng đã xác định thành lập 3 trung tâm dạy nghề cấp huyện là Cẩm Phả, Đông Triều, Vân Đồn. Trong đó 2 vùng trọng điểm về lao động nông thôn Đông Triều và Vân Đồn được thành lập cơ sở dạy nghề mới với tổng giá trị đầu tư lên đến gần 30 tỷ đồng. 9 Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên của các huyện cũng được giao nhiệm vụ tham gia vào công tác dạy nghề của dự án. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến 35 cơ sở dạy nghề, với trên 700 học viên đã đủ điều kiện tham gia công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh việc tạo được những bước chuyển biến tích cực trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những tháng đầu năm 2011, tỉnh Quảng Ninh còn tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong việc triển khai dự án Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh (đặt tại huyện Hoành Bồ). Dự án Trường cao đẳng nghề Việt - Hàn Quảng Ninh nằm trong gói dự án 5 trường dạy nghề do Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc bắt đầu khởi động từ năm 2001. Theo thiết kế, trường sẽ được xây dựng trên diện tích 10ha, với quy mô đào tạo lớn, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật có tay nghề cao với 1.500-1.600 học sinh, sinh viên mỗi năm. Đến nay, Quảng Ninh và phía đối tác Hàn Quốc đã thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể năm 2011; xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công và kế hoạch đấu thầu; lập hồ sơ thành lập trường... Trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn là một dự án đào tạo nghề có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Như vậy, với những cách làm thiết thực, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội cũng như bản thân người lao động về vai trò quan trọng của việc dạy nghề cho lao động nông thôn đối với vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống ở vùng nông thôn. Những kết quả trên sẽ là cơ sở, bước đệm quan trọng để tỉnh Quảng Ninh sớm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh./.