Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Định hướng phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là dựa vào nguồn lực bên trong làm quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh là mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi, tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, sáng tạo và ứng dụng KHCN làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Bên cạnh đó, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập với cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; kiên trì không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”. Theo đó, “tâm” là thành phố Hạ Long, “hai tuyến” là tuyến phía tây và tuyến phía đông, “đa chiều” là phối hợp liên cấp quốc gia và quốc tế, “hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, hiệu lực của quản lý Nhà nước, tăng cường đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy dân chủ và kỷ cương, khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên của người dân trong tỉnh.
Thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần cả nước
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh về những kết quả toàn diện trong phát triển KT-XH thời gian qua. Trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, những kết quả quan trọng này đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển cho Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Cụ thể, đến nay có 15/17 chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm tăng 10,7%, cao hơn bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các địa phương có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương (tổng thu NSNN tăng 29,6% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó, thu nội địa tăng 94%); tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), tạo đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đã thực hiện 44 dự án với tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn tư nhân chiếm đến 90%). Các dự án hạ tầng giao thông được tỉnh tập trung phát triển và có hiệu quả cao. Do đó, cần tổng kết và có bài học tốt cho các địa phương khác.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”
Dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép; thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ cát, đá, sét theo quy hoạch; chú trọng bảo vệ môi trường Vịnh, môi trường ngành than; di dời cơ sở ô nhiễm; tập trung đầu tư xử lý nước thải công nghiệp và đô thị.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước về triển khai thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong 3 năm liên tiếp (2017-2019), chỉ số PCI và chỉ số CCHC (PAR Index) đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn đứng trong nhóm dẫn đầu và đứng thứ nhất năm 2019. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ vị trí 62 năm 2016 đã vươn lên đứng thứ 3 năm 2019.
Bảo đảm an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều kết quả tích cực: Chi cho ASXH năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng 14,9%/năm (năm 2019 tăng 24,4% so với năm 2018). Tỉ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 0,36%. Hết năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 85% thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉ lệ bác sĩ, tỉ lệ giường bệnh/vạn dân đều cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,7% là mức tăng trưởng cao trong cả nước. 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tăng 5,2% cùng kỳ; thu ngân sách đạt 67% dự toán năm (thu XNK đạt 80% dự toán).
“Quyết tâm của tỉnh thu ngân sách năm 2020 đạt 48.000 tỷ đồng, điều này có ý nghĩa quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và góp phần cho cả nước nói chung. Kết quả 5 năm (2015-2020) và 8 tháng đầu năm 2020 rất ấn tượng, Quảng Ninh ngày nay đã có bóng dáng của một thành phố hiện đại, là tiền đề để phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá.
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... Giải quyết nhanh chóng các TTHC về đất đai, đầu tư, xây dựng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết về hạ tầng, nguồn nhân lực để đón đầu làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19. Phối hợp với các cơ quan chức năng để phổ biến các chính sách về hàng hóa XNK, XNC để các doanh nghiệp biết, chủ động thực hiện, tránh thiệt hại và giải quyết các vướng mắc trong thông quan hàng hóa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, chống buôn lậu được tăng cường
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, theo số vốn Thủ tướng Chính phủ giao (8.075,682 tỷ) thì Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương có tỉ lệ giải ngân cao nhất cả nước 98,73% (vượt xa cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 39%). Trong đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt tỉ lệ khá cao 79,94%, là một trong số ít các địa phương dẫn đầu cả nước (cả nước là 40,59%).
Còn theo số thực tế địa phương giao lại 16.180,873 tỷ đồng (số cân đối ngân sách địa phương giao cao hơn gấp 2 lần số Thủ tướng Chính phủ giao) thì tỉ lệ giải ngân của Quảng Ninh đạt 49,27% (bình quân cả nước đạt 49,11%).
Đối với nguồn vốn ODA, đến ngày 26/8/2020, giải ngân mới đạt 19,1% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên không huy động được nhân lực để thi công; nhiều thiết bị nhập khẩu vận chuyển về chậm; vướng mắc về Hiệp định vay vốn...
Về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm soát tuyến biên giới để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 2.600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 23,31 tỷ đồng. Xử lý hình sự 30 vụ với 34 đối tượng.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu các mặt hàng thuốc lá ngoại, rượu ngoại vẫn có nguy cơ xảy ra rất cao, trong nội địa, vẫn tồn tại những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, bến bãi tự phát vẫn diễn ra tại một số nơi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém mà tỉnh Quảng Ninh cần sớm khắc phục. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện nguồn lực của tỉnh. Một số dự án, công trình trọng điểm tiến độ triển khai còn chậm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 chưa đạt kế hoạch. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án động lực gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án (vướng mắc về thủ tục đất đai, môi trường, nhân lực, máy móc, thiết bị triển khai thi công).
Công tác phối hợp giữa hải quan, biên phòng, cảnh sát biển và quản lý thị trường hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt thời cơ, chung sức, đồng lòng vượt qua thách thức, khắc phục những tồn tại, tháo gỡ ”điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển, khơi thông nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, khẳng định được vai trò là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là tiền đề đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm tiếp theo, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; triển khai hiệu quả Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ba là, tập trung điều tra, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng giả; truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, thuốc lá, rượu ngoại tái xuất thẩm lậu, quay vòng vào nội địa. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Xác lập các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, tuyến trọng yếu để phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm, có sự kết nối và sử dụng hệ thống camera để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm, lưu ý đến yếu tố bảo mật”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bốn là, ưu tiên, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo việc làm cho người dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định để không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến các cơ quan có thẩm quyền; có biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân cung cấp thông tin. Tăng cường hợp tác quốc tế đặc biệt hợp tác nước láng giềng trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị để nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin và phối hợp lực lượng đấu tranh chống buôn lậu.
Năm là, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình không để bị động, bất ngờ trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự tại địa phương, nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh tôn giáo, dân tộc, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, phức tạp từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người và hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, không để khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương, chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
Sáu là, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án, đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, lãng phí nguồn lực.
Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; xử lý các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn mà khi hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020; hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án quy mô lớn, quan trọng; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định.
Bảy là, người đứng đầu chính quyền các cấp chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Không kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các năm 2016, 2017, 2018 sang năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6054/VPCP-KTTH ngày 24/7/2020.
Đối với một số kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ninh có điều kiện phát triển nhanh và bền vững.
Lê Sơn