• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quảng Ninh: Tạo lực đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số ngành, lĩnh vực có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.

15/09/2022 10:54
Quảng Ninh: Tạo lực đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo - Ảnh 1.

Quảng Ninh sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh chú trọng, tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư và bước đầu đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Tháng 1/2022, dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đã cho ra sản phẩm đầu tiên chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu. Đây cũng là dự án xác lập kỷ lục mới về thời gian cấp phép đầu tư, với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Dự án Jinko Solar Việt Nam có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng, tỉ suất vốn đầu tư 417 tỷ đồng/ha, cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN của tỉnh tính đến hiện tại.

Cùng với dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam, trong năm 2022 Quảng Ninh có 6 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động. Từ đó tạo động lực phát triển mới cho ngành này.

Đặc biệt, mới đây nhất, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và khởi công Tổ hợp dự án Nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên). Đây là tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên do nhà đầu tư trong nước triển khai với quy mô lớn tại KKT ven biển Quảng Yên sau khi được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2020.

Đến thời điểm hiện tại, tổ hợp dự án có 2 dự án thành phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm: Dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên (đã hoàn thành thủ tục pháp lý để khởi công, triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2023); dự án Nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng dự kiến được đưa vào hoạt động trong tháng 3/2024.

Bên cạnh các dự án đầu tư mới, năm 2022 nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sau thời gian chạy thử đã đi vào vận hành ổn định, tăng sản lượng lên gấp nhiều lần so với năm 2021.

Tính đến hết năm 2021, tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020); 6 tháng đầu năm 2022, đạt 12%, thu hút vốn đầu tư ước đạt 2.904,68 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 31.611 tỷ đồng, đạt 62,8% mục tiêu đã đề ra và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới với làn sóng chuyển dịch sản xuất từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc về Việt Nam.

Quan điểm của tỉnh là sẽ phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số ngành, lĩnh vực có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...

Cùng với đó, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh dự kiến phát triển theo chiều sâu các KKT, KCN có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm, trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển các KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các KCN, KKT của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành để hỗ trợ nhau tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN, CCN mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của 2 tuyến phía đông và phía tây.

Với những định hướng phát triển dài hạn, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Đặc biệt là với việc hoàn thành và đưa một số dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt, đã tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực này; từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.

NT