Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Trồng trọt.
Cụ thể, về chính sách trong hoạt động trồng trọt (Điều 5), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ chính sách nêu tại điểm đ khoản 2 Điều 5, theo đó chỉ nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với sản xuất lúa nước, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Hiện nay quản lý diện tích đất trồng lúa đang được thực hiện theo Luật Đất đai, Nghị quyết số 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia để bảo đảm duy trì diện tích đất trồng lúa là 3,8 triệu ha. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất trồng lúa hiện nay là thấp hơn so với một số cây trồng khác nên có tình trạng một số người dân tự chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc bỏ hoang đất lúa. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ trồng lúa theo quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý đất trồng lúa; Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp... để hỗ trợ người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã thể hiện chính sách hỗ trợ sản xuất lúa chỉ đối với các diện tích lúa trong quy hoạch và thể hiện cụ thể như tại điểm đ khoản 2 Điều 5.
Về điều kiện sản xuất, mua bán phân bón (Điều 41, Điều 42), có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung quy định về điều kiện cơ sở sản xuất phân bón phải có kế hoạch bảo vệ môi trường vào khoản 2 Điều 41; điều kiện cơ sở mua bán phân bón phải đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy và có cam kết bảo vệ môi trường vào khoản 2 Điều 42. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, yêu cầu về kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết môi trường, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Trong Luật Trồng trọt chỉ quy định những điều kiện thiết yếu đối với phân bón để cơ quan chuyên ngành có căn cứ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn khi đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất, mua bán phân bón phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Các nội dung này đã được thể hiện tại điểm i khoản 2 Điều 50 về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón; điểm h khoản 2 Điều 51 về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mua bán phân bón. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật.
Toàn cảnh phiên họp |