Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những đóng góp to lớn của ông trong suốt thời gian ông giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.- Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 6/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn.
Tờ trình của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu: "Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nay, do yêu cầu sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và công tác cán bộ, căn cứ điểm 5 Nghị quyết 01 ngày 12/3/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, căn cứ Điều 88 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, căn cứ Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội, căn cứ Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng".
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đồng thời Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội tiến hành miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Với 418 phiếu tán thành, chiếm 84% tổng số đại biểu và 68 ý kiến không đồng ý, căn cứ nội quy kỳ họp, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, 430 đại biểu trong tổng số 462 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (87,04%), 23 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những đóng góp to lớn của ông trong suốt thời gian ông giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Cũng trong buổi chiều, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Người được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau 9 năm 10 tháng giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông sẽ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho thôi đảm nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ để nghỉ theo chế độ.Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ; cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ; các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng đã nỗ lực hết mình trong công tác tham mưu, giúp việc, bảo đảm hậu cần để cá nhân Thủ tướng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ qua.
Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng chúc các thành viên Chính phủ tiếp tục ở lại công tác trong Chính phủ, các thành viên Chính phủ được giao các trọng trách khác tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thủ tướng cũng chúc các đồng chí thành viên Chính phủ dịp này được nghỉ theo chế độ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đánh giá về nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng thành công lớn nhất, nổi bật nhất 5 năm qua là Chính phủ, Thủ tướng đã điều hành một cách chủ động, linh hoạt trên cơ sở thực hiện kiên quyết nhiều chính sách về quản lý kinh tế, tài chính, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế ổn định và giá trị tiền tệ, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất...
"Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 5,9%/năm là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội toàn cầu có nhiều biến động, bất ổn, khủng hoảng và suy thoái trên diện rộng, không ít nước tăng trưởng âm", đại biểu Vẻ dẫn chứng.
Đại biểu Trần Du Lịch liệt kê 3 điểm nổi bật của Chính phủ và Thủ tướng: "Kiên trì 3 mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giải quyết vấn đề an sinh xã hội; xây dựng pháp luật, ban hành chính sách đều lấy cơ sở hội nhập như một phương thức để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa; đàm phán thành công các hiệp định song phương thế hệ mới, đặc biệt là TPP trong hoạt động nâng tầm đất nước".
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Thủ tướng cũng được cử tri công nhận là "có thái độ kiên quyết trước những hành vi xâm lược của Trung Quốc".
Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại cho hay bà ấn tượng với sự quyết liệt, kiên trì thể hiện quan điểm, tư tưởng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. "Thái độ của Thủ tướng đã làm nhân dân và cử tri cả nước an tâm hơn, tin tưởng và có thể giảm đi những băn khoăn, lo lắng về tình hình biển đảo nói chung", đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nói./.