Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, 9h30 sáng 29/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc.
Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7.
Trình bày Báo cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, ngày 20/6/2024, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được ý kiến của 420 đại biểu Quốc hội, trong đó có 386 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 34 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với ý kiến đề nghị quy định thời hạn cụ thể đối với yêu cầu bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn và chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu; có giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề và tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu và điều chỉnh các nội dung liên quan trong dự thảo Nghị quyết.
Về ý kiến đề nghị làm rõ hơn khái niệm các ngành kinh tế biển mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các ngành kinh tế biển mới đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do đó không nêu cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.
Đối với lĩnh vực công thương, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về tăng cường quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung như đề xuất của đại biểu không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này; hơn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9, trong đó có yêu cầu nội dung này; do đó không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, có ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung về việc phổ biến tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài; việc phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn; giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là phù hợp với nội dung tại phiên chất vấn, do vậy đã tiếp thu và bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến đề nghị bổ sung nội dung về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng thể dục, thể thao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: các giải pháp về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong dự thảo Nghị quyết đã bao hàm nội dung đại biểu nêu; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.
Riêng về đề nghị giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam và từng phần của Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền phê duyệt Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam là vấn đề quan trọng, cần rà soát kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và có đề xuất phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.
Hải Liên