Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng nước ta đang hội nhập sâu rộng quốc tế, độ mở của nền kinh tế lớn nên mọi diễn biến của tình hình thế giới và khu vực đều tức thì tác động trực tiếp đến nền kinh tế.
Cụ thể, gần đây, những diễn biến phức tạp khó lường của tình hình thế giới đã tác động rất mạnh tới nước ta. Những tác động có thể kể đến là: Hậu quả của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất dai dẳng, kéo dài; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột tại Ukraine tiếp tục có dấu hiệu phức tạp hơn, lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực tiềm ẩn nhiều rủi ro; sức ép lạm phát lớn; chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy…
Những tác động nêu trên cùng với độ mở của nền kinh tế với thế giới lớn, nhiều vấn đề yếu kém trong nội tại của nền kinh tế bộ lộ, phát sinh… đã kìm hãm, tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế của đất nước, trong đó, quý I/2023, mục tiêu về tăng trưởng GDP chưa đạt được như mong muốn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức như vậy, Chính phủ đã hết sức nỗ lực ứng phó, đưa đất nước vượt qua các khó khăn, thách thức với rất nhiều giải pháp khả thi, phù hợp với thực tế. Qua đó, tình hình KT-XH nước ta trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, với nhiều điểm sáng, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp...
Đại biểu Trần Hồng Nguyên bày tỏ đồng tình cao với nhận định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bối cảnh tình hình năm 2023 còn những khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi; áp lực đặt ra là rất lớn. Vì vậy, việc nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo để đề ra các giải pháp, kịch bản chỉ đạo, điều hành có tính khả thi phù hợp với bối cảnh, tình hình có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nguyên nhìn nhận trong hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải giữ bằng được sự ổn định vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, bảo đảm các cân đối lớn và duy trì đà tăng trưởng hợp lý. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Phải hướng mạnh tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên và những lĩnh vực là động lực tăng trưởng. Cùng với đó là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về kiểm soát lạm phát, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát theo mục tiêu. Muốn vậy, phải kiểm soát tốt giá cả của các mặt hàng có tác động mạnh đến lạm phát như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; bảo đảm bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu...
Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo công tác quản lý thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; tránh bị thất thu thuế; đi đôi với đó là triệt để tiết kiệm chi, nhất là các khoản chi không cần thiết. Cùng với đó, phải kiểm soát tốt nhập siêu, tăng cường xuất khẩu thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác mang lại. Phát huy tối đa vai trò của nông nghiệp, cần tiếp tục coi nông nghiệp là một bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, bảo đảm an ninh lương thực.
TS. Trần Hồng Nguyên cũng cho rằng trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, cần tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế để duy trì đà tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, trong đó hết sức chú ý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sảnh xuất, kinh doanh trên tinh thần người dân, doanh nghiệp có thể làm bất cứ thứ gì mà luật pháp không cấm.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã luôn đồng hành với Chính phủ để cùng đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả như Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh và ban hành theo thủ tục trình tự rút gọn tại 1 kỳ họp đối với một số vấn đề lớn, cấp bách nhằm đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Nghị quyết về chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, sắp tới là TPHCM và nhiều đạo luật quan trọng khác...
Đình Hải - Lê Sơn (thực hiện)