Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo quy trình, sáng nay, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội vừa đắc cử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn.
Tờ trình số 1081 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nay theo yêu cầu bố trí sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ; căn cứ điểm 4 Nghị quyết số 01 ngày 12/3/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, căn cứ điều 74 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội; điều 39 Nội quy kỳ họp Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về đề nghị miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang. Theo kết quả kiểm phiếu được công bố, 447/474 phiếu đồng ý, 26 phiếu không đồng ý miễn nhiệm chức vụ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sau đó công bố dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Trương Tấn Sang. Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết với 458/474 đại biểu có mặt bấm nút tán thành. Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang quy định: Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sinh năm 1949, quê quán tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông Trương Tấn Sang đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII vào tháng 7/2011. Trước đó, ông Trương Tấn Sang từng đảm trách các chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban bí thư. Ông Trương Tấn Sang là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng các khoá X, XI (từ tháng 5/2006 đến tháng 8/2011); Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI và XIII.. |
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng ông Trương Tấn Sang bó hoa thay lời tri ân về những đóng góp của ông trên cương vị người đứng đầu Nhà nước suốt một nhiệm kỳ qua.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Tờ trình nêu rõ: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 2013, căn cứ Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, căn cứ Điểm 4 Nghị quyết 01 ngày 12/3/2016 của BCH Trung ương Đảng khoá XII, căn cứ Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trân trọng trình Quốc hội xem xét bầu đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Ngày 2/4, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ
phiếu kín. Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước mới đắc cử
cũng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội và quốc dân.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia thay ông Nguyễn Sinh Hùng đã được Quốc hội đồng ý miễn nhiệm vào chiều 30/3.
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ nhậm chức.
PV