• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quốc hội thảo luận về chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng

(Chinhphu.vn) - Sáng 7/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

07/06/2024 15:42
Quốc hội thảo luận về chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng- Ảnh 1.

Đà Nẵng cần chính sách đặc thù vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa

Hiện tại, TP. Đà Nẵng đang thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Theo báo cáo của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực, bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, TP. Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.

Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển KT-XH xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, là Thành phố cảng biển, đô thị quốc tế.

Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị), qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 03 năm thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14, bộ máy hành chính TP. Đà Nẵng từ thành phố xuống quận, phường hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt; giảm khâu trung gian, rút ngắn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước...

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trong quá trình thực hiện mô hình đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 vẫn còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các chính sách đặc thù vượt trội, tạo đột phá, thêm động lực và sức lan tỏa cho thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng lần này là rất cần thiết.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho biết, theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển KT-XH và định hướng phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng là một thành phố ở vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh ở khu vực và cả nước, có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, có khả năng tiếp nhận và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư về thương mại, dịch vụ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. 

Quốc hội thảo luận về chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/LS

Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nỗ lực xây dựng và phát triển Thành phố theo các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội như cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, nhân lực khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước…

Đại biểu cho rằng, cần kịp thời ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng để thể chế hóa các nghị quyết Bộ Chính trị và tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay cho TP. Đà Nẵng, tạo động lực cho TP. Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là Thành phố đáng sống.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cũng nhấn mạnh, về mặt địa lý, TP. Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về KT-XH và quốc phòng - an ninh với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; đồng thời là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. TP. Đà Nẵng cũng là đô thị biển và đầu mối giao thông rất quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Đặc biệt, thời gian qua, TP. Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được đánh giá là Thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để TP. Đà Nẵng chủ động vận động bứt phá, tăng tốc trong phát triển KT-XH, xứng đáng là đầu tàu của khu vực miền Trung là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng góp thêm ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đối với các nội dung liên quan đến thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; quy định tổng dư nợ vay của TP. Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ bản các ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về phát triển TP. Đà Nẵng nhằm đạt mục tiêu các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra; góp phần tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển KT-XH, xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là Thành phố cảng biển, đô thị quốc tế, phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà thúc đẩy lan tỏa phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cho rằng các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu và các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.

LS