Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng Luật |
Cơ quan kiểm tra phải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, sử dụng tên gọi như trên là hợp lý hơn cả vì tên gọi đó xác định rõ hai đối tượng cần được quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu dùng là sản phẩm và hàng hóa.
Đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định trong dự thảo Luật, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đây là hoạt động hậu kiểm mang tính kỹ thuật nhằm kiểm tra lại chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được đánh giá chất lượng hoặc kiểm tra việc áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Việc kiểm tra còn nhằm cảnh báo, xác minh, cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm về chất lượng cho người tiêu dùng; đề xuất các biện pháp quản lý thích hợp đối với sản phẩm, hàng hóa. Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra cũng cần phải có những biện pháp xử lý như niêm phong, tạm đình chỉ lưu thông hàng hóa không phù hợp, hoặc khi cần thiết có thể thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp và tên sản phẩm, hàng hóa không phù hợp, mức độ không phù hợp của sản phẩm, hàng hóa. Đây là những việc liên quan đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Do vậy, cơ quan kiểm tra phải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Dự thảo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trình Quốc hội lần này gồm 8 chương, 73 điều. Hầu hết các điều, khoản của dự thảo Luật đều được chỉnh lý, bổ sung cho hoàn thiện hơn, bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của pháp luật trong nước và phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa với 438/444 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ nhất trí cao 88,84%.
Chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến dân cư khi sản xuất, kinh doanh hóa chất
Đa số ý kiến tán thành với tên gọi của dự thảo Luật là Luật Hóa chất và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị giữ tên gọi của Luật là Luật Hóa chất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khoản 3 và khoản 4 Điều 10 đã được chỉnh sửa lại để quy định một cách bao quát hơn về trách nhiệm của chủ đầu tư sản xuất, kinh doanh hóa chất và cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các quy định không những của Luật này mà cả pháp luật về chuyển giao công nghệ, về đầu tư, về khoa học và công nghệ, về bảo vệ môi trường; tránh được sự trùng lặp, chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Đặc biệt, trong khoản 4 Điều 10 quy định rõ chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật hóa chất với 400/444 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 89,25%.
Giang Oanh