Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đồng chủ trì tọa đàm.
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đại biểu Quốc hội 2 nước Việt Nam và Lào đã tập trung phân tích, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam, chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Tại buổi tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Năm 2023 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, là mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023.
Đạt được thành quả đó, Việt Nam có nhiều chính sách nổi bật trong thu hút FDI, như: Cải thiện môi trường pháp lý, chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, chính sách mở cửa thị trường, đào tạo nguồn nhân lực...
Để tăng cường lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn và thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở phía Lào cần thực hiện 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, chuyển trọng tâm của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, có tính chiến lược; có cơ chế "đặc thù", vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan tỏa trong các ngành công nghiệp, công nghệ "then chốt".
Xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, sàng lọc nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, liên kết với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ...
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các bài tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tại tọa đàm rất cởi mở, mang tính lý luận và thực tiễn cao, nhiều thông tin hữu ích, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Quốc hội hai nước trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát thực hiện các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mới, kịp thời, phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế-xã hội của từng nước và tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 2 nước trên nhiều mặt, như thương mại, đầu tư...
Thời gian tới, 2 nước đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena khẳng định, những kết quả tại buổi tọa đàm là bài học quý báu, thiết thực để Lào vận dụng vào việc xây dựng chính sách.
Trước đó tại buổi hội đàm giữa hai bên, ông Sommad Pholsena cho rằng, sự chia sẻ kinh nghiệm từ Quốc hội, của đại biểu Quốc hội Việt Nam giúp Quốc hội Lào có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hoạt động này cũng tăng cường thêm tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.
Minh Trang