Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
>> Báo cáo của Chính phủ về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế
>> Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII khai mạc hôm nay, 21/5 - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Đề án kiến nghị 12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Về việc tổ chức triển khai thực hiện, theo Đề án, trước mắt, tái cơ cấu tập trung vào các lĩnh vực, bao gồm tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu đầu tư công; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể về đầu tư và kinh doanh, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về phát triển các khu kinh tế, các cụm công nghiệp liên hoàn đối với một số sản phẩm ưu tiên, hình thành một thiết chế phù hợp chỉ đạo, điều phối và giám sát có hiệu quả quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo Đề án, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức.
Một là, có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Hai là, tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là gói cứu trợ nền kinh tế; vì vậy, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số đối tượng liên quan, sẽ đòi hỏi những chi phí nhất định.
Ba là, thể chế kinh tế thị trường hiện tại còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn… sẽ làm phát sinh rào cản đối với huy động, chuyển dịch và phân bố nguồn lực xã hội theo các yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với những đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, những tồn tại, yếu kém đã nêu trong Đề án.
Ủy ban Kinh tế đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần theo ngành, lĩnh vực, vùng, xác định rõ thứ tự ưu tiên, chủ thể thực hiện và lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm những ngành, lĩnh vực trọng điểm, cần thực hiện trước, những ngành, lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời, có bước đi hợp lý tránh gây đột biến lớn với khung thời gian cụ thể là đến năm 2020.
Theo Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc sáng nay, Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội sẽ xem xét các Tờ trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, Tờ trình về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chương trình dự kiến xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Hồng Phong