Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, Trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.
Trung tâm chính trị cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.
Trung tâm có các nhiệm vụ: Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.
Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và một số lĩnh vực khác cho cán bộ đảng (là cấp ủy viên cơ sở), cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở.
Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở.
Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; Tổ chức thông tin về tình hình thời sự, chính sách,… cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của cấp ủy và phục vụ giảng dạy, học tập; thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp ủy cấp huyện.
Về tổ chức bộ máy, Trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 đến 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn.
Trung tâm chính trị cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm để phục vụ công tác giảng dạy.
Về con dấu, thể thức văn bản, văn bằng, chứng chỉ: Trung tâm chính trị cấp huyện được sử dụng con dấu, thể thức văn bản, văn bằng, chứng chỉ theo hệ thống của tổ chức đảng và theo quy định của Đảng.
Giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện ký và cấp các loại văn bằng, chứng chỉ của các chương trình thuộc chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao; văn bằng có giá trị, là điều kiện để xếp ngạch, bậc cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế của trung tâm; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trung tâm, quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn giảng viên, về chế độ, chính sách liên quan; hướng dẫn thống nhất mẫu và quy định tiêu chuẩn giá trị văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của trung tâm.
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo nội dung đào tạo về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tại trung tâm; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng khung chương trình sơ cấp lý luận chính trị giảng dạy tại trung tâm chính trị cấp huyện, bảo đảm tính liên thông, kế thừa, tránh trùng lắp giữa các chương trình đào tạo lý luận chính trị.
Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn về kinh phí và việc đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho trung tâm.
Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước có liên quan trong việc công nhận, phong tặng danh hiệu nhà nước đối với giảng viên chuyên trách của trung tâm.
Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về hướng dẫn chuyên môn đối với trung tâm.
Cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo thực hiện về nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; về tổ chức bộ máy và biên chế; về chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên, học viên; về thực hiện quy chế quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và việc đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động cho trung tâm.
Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, triển khai thực hiện quy định này; kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Bí thư.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (8/11/2019) và thay thế Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư khóa X./.