Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là hoạt động mua bán điện trong Chương V đã bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, là một hợp đồng tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện. Việc quy định hợp đồng kỳ hạn điện tại luật là cơ sở pháp lý để hướng dẫn cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hợp đồng này.
Theo Bộ Công Thương, đây cũng là yêu cầu cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập của thị trường bán buôn điện hiện nay, tạo điều kiện mở rộng phạm vi thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ điện sau này.
Hiện nay, khoản 2 Điều 20 Luật Điện lực có quy định về hai hình thức mua bán điện trong thị trường điện lực là mua bán giao ngay và mua bán qua hợp đồng có thời hạn. Đối với thị trường điện cạnh tranh, trong bối cảnh giá điện trên thị trường giao ngay dao động rất nhanh theo từng chu kỳ giao dịch (hiện nay là 30 phút) thì hợp đồng kỳ hạn (quy định tại Luật Thương mại) là công cụ hữu hiệu cần thiết để bên bán và bên mua quản lý rủi ro biến động giá thị trường. Tuy nhiên, tại Luật Điện lực 2014 chưa có quy định về hợp đồng kỳ hạn trong các giao dịch trên thị trường điện.
Do đó, Điều 41 quy định về mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo cấp độ của Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung thêm hình thức mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng lương lai điện giữa bên bán điện và bên mua điện. Điều 45, luật cũng quy định chi tiết về các hợp đồng bổ sung nói trên.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc áp dụng riêng cơ chế hợp đồng kỳ hạn trong thị trường điện cũng liên quan đến cơ chế thuế VAT đối với các giao dịch này.
Theo thông lệ quốc tế tại các nước có thị trường điện hoàn chỉnh như: Australia, Singapore, Ireland.. đang áp dụng hợp đồng kỳ hạn điện (Forward) hoặc hợp đồng hoán đổi (Swap) trong thị trường điện, đồng thời các giao dịch thông qua hợp đồng này thuộc đối tượng không chịu thuế VAT/GST. Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, hợp đồng kỳ hạn là một hình thức dịch vụ tài chính phái sinh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và không thuộc đối tượng chịu VAT.
Trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu về cơ chế VAT trong trường hợp áp dụng hợp đồng kỳ hạn trong thị trường điện. Đây cũng là yêu cầu cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập của thị trường bán buôn điện hiện nay, tạo điều kiện mở rộng phạm vi thị trường bán buôn, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ điện sau này.
Do đó, việc bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn thành một hình thức giao dịch trong thị trường điện tại Luật Điện lực là điều cần thiết và có đủ cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề có liên quan đến giao dịch của các bên trong thị trường điện.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương ban hành các nội dung chính của Hợp đồng kỳ hạn điện hướng dẫn triển khai trong thực tiễn.
Được biết, trước khi dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, ý kiến của các chuyên gia trong ngành điện lực cho rằng, thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn.
Đây cũng là ý kiến góp ý của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 8. Bộ Công Thương cũng như các đại biểu đã đồng tình với ý kiến của MXV khi phân tích từ thực tiễn giao dịch của thị trường điện giao ngay và nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong quá trình giao dịch, ngoài việc giao dịch thông qua "Hợp đồng kỳ hạn".
Các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ còn có thể lựa chọn một loại công cụ khác có chức năng bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro tương đương, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam đó là "Hợp đồng quyền chọn". Tương tự như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.
Có thể thấy, việc Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu và bổ sung vào dự thảo luật về việc sử dụng hợp đồng quyền chọn tại thị trường điện lực Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giao dịch của thị trường điện lực trên thế giới. Đồng thời pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về loại hợp đồng này để làm cơ sở pháp lý cho các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh có thể sử dụng, triển khai trong thực tiễn giao dịch, mua bán trên thị trường điện lực.
Phan Trang