Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Dương, Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT quy định, trong trường hợp cần thiết, do khối lượng văn bằng phải ký quá nhiều, người có thẩm quyền cấp văn bằng không thể ký trực tiếp vào văn bằng thì phải trình cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp cho phép mới được dùng dấu chữ ký đóng lên văn bằng.
Ông Dương hỏi, dấu chữ ký có giá trị pháp lý khi đóng lên văn bằng, chứng chỉ không? Nếu có thì thủ tục đăng ký sử dụng dấu chữ ký như thế nào và cần đăng ký với cơ quan nào?
Về vấn đề ông Dương hỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:
Đối với việc sử dụng dấu chữ ký trên văn bằng, chứng chỉ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT ngày 20/6/2012.
Theo đó, trong trường hợp thật cần thiết, do khối lượng văn bằng phải ký quá nhiều, người có thẩm quyền cấp văn bằng không thể ký trực tiếp vào văn bằng thì phải trình cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp cho phép mới được sử dụng dấu chữ ký đóng lên văn bằng.
Việc ký cấp phát văn bằng, chứng chỉ là công việc quan trọng, cần thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Trường Đại học Hoa Sen dự thảo quy định sử dụng dấu chữ ký, trong đó quy định cụ thể người có thẩm quyền được sử dụng dấu chữ ký, quy trình sử dụng dấu chữ ký, các loại văn bằng, chứng chỉ đóng dấu chữ ký để thực hiện trọng phạm vi Trường Đại học Hoa Sen. Đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải sử dụng dấu chữ ký. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đề xuất của Trường Đại học Hoa Sen.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin giải đáp công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân