• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quy định trần khuyến mại đã lỗi thời?

(Chinhphu.vn) – Sau khi mức trần chi phí quảng cáo được dỡ bỏ, các doanh nghiệp hiện đang kiến nghị loại bỏ cả quy định về trần khuyến mại.

18/11/2015 17:04
Ảnh minh họa
Căn cứ yêu cầu của Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP có quy định về hạn mức tối đa giá trị vật chất hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức tối đa giảm giá là 50%.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, quy định về hạn mức tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mại (không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại) cũng như hạn mức thời gian được phép khuyến mại, là chưa hợp lý và hạn chế quyền tự do kinh doanh của thương nhân. 

Hơn thế nữa, cũng theo bà Loan, các quy định này dường như đã lỗi thời và các vi phạm thường xảy ra trong thực tế, gây tâm lý coi thường pháp luật.

Nhiều cách “vượt trần”

Trong báo cáo mới đây về tình hình thi hành Luật Thương mại, Bộ Công Thương cũng thừa nhận có 4 nhóm hành vi hay bị các thương nhân thực hiện khuyến mại vi phạm, trong đó có việc thực hiện khuyến mại “vượt trần” nói trên.

Cũng theo Bộ này, ngoài các hình thức khuyến mại được quy định, thực tế hiện nay đã xuất hiện nhiều hình thức khuyến mại mới, khác so với các hình thức truyền thống mà các hình thức khuyến mại mới này hiện chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chẳng hạn, tổ chức giới thiệu và bán hàng hóa tại các địa phương, chơi game tích điểm để tặng quà, bán hàng lưu động kèm theo việc thực hiện cung ứng sản phẩm có giá thấp hơn thị trường, chiết khấu thương mại, tăng trưởng theo tích lũy doanh thu (doanh số đạt được), bốc thăm để được mua hàng giảm giá…

Các chuyên gia cho rằng, thực tế này cho thấy các doanh nghiệp có rất nhiều cách để vượt qua hạn mức giảm giá tối đa. Chẳng hạn ngoài các chương trình giảm giá thông thường, các siêu thị còn có thêm hàng loạt ưu đãi nhằm thu hút khách như quà tặng bằng phiếu mua hàng hay tiếp tục giảm giá nếu thanh toán bằng thẻ ngân hàng…

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời bà Võ Thị Lan Phương, một chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tác động chính sách (RIA), nhìn nhận ở thời điểm 2005-2006, khi Luật Thương mại ra đời, quy định mức trần khuyến mãi không vượt quá 50% là phù hợp, bởi nó là công cụ “tiền kiểm” của các cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp có tiềm lực sử dụng các chương trình giảm giá như một công cụ để ngăn chặn hay loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Tất nhiên, tác động phụ phải chấp nhận khi ấy của quy định này là hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến mãi. Nhưng đến nay, khi Việt Nam đã có hệ thống pháp luật về cạnh tranh, đã thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát các hành vi cạnh tranh... thì quy định hỗ trợ “tiền kiểm” không còn mang ý nghĩa quan trọng như tại thời điểm nó được ban hành.

Bà Lan Phương thậm chí cho rằng nên bỏ hẳn mức trần khuyến mãi 50% cho mọi trường hợp. Vì nếu chỉ dỡ bỏ trong một số trường hợp cụ thể thì doanh nghiệp vẫn mất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm tính cạnh tranh và sự linh hoạt trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Việc dỡ bỏ quy định này cũng quan trọng như việc dỡ bỏ mức trần 15% đối với chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... trong Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2014.

Hoàn toàn có thể sửa đổi

Theo Bộ Công Thương, khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại 2005 chỉ quy định “Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại”. Như vậy, về mặt pháp lý, hạn mức này hoàn toàn có thể điều chỉnh khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đề xuất bỏ hẳn mức trần 50%, mà theo hướng vẫn giữ trần này đối với các chương trình khuyến mại thông thường, chỉ cho phép doanh nghiệp được giảm giá sản phẩm hơn mức 50% trong một số dịp. Ví dụ tháng khuyến mại, mùa mua sắm hàng năm, trong khuôn khổ hội chợ, triễn lãm đã được cơ quan quản lý về xúc tiến thương mại cho phép đăng ký và trong trường hợp thanh lý hàng tồn kho hoặc thanh lý trong trường hợp doanh nghiệp dừng hoạt động.

Thực tế, để thúc đẩy mua sắm, các nước có quy định hạn mức đều cho phép mức giảm giá hoặc hạn mức khuyến mại lớn hơn 50%. Ví dụ, ở Singapore, vào mùa khuyến mại (từ tháng 5 – tháng 7), các mặt hàng có thể giảm tới 70%. Hay như ở Malaysia, Mùa giảm giá được bắt đầu vào dịp lễ hội màu sắc của Malaysia (Colours of Malaysia) diễn ra vào tháng 7. Dịp này, tất cả hàng hóa, dịch vụ tại Malaysia đều được giảm giá từ 10 – 80% so với ngày bình thường.

Các hội chợ, triển lãm hiện tổ chức ở Việt Nam đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và thường chỉ kéo dài từ vài ngày cho đến 01 tuần. Do vậy, để thu hút du khách thăm quan, mua sắm, việc cho phép nâng hạn mức tối đa lên trên 50% là khả thi và trong sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung thêm các hình thức khuyến mại như mô hình khuyến mại mua theo nhóm (Groupon), mô hình khuyến mại mua theo gói hàng hóa, gói dịch vụ (coupon), khuyến mại bằng tiền mặt, lãi suất hay khuyến mại theo hình thức chiết khấu…

Thanh Hằng