Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo thi hành Luật Luật sư sau 10 năm cho biết, Bộ Tư pháp thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về luật sư đúng thẩm quyền, phù hợp, thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp.
Thể chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó có đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Theo đó, đã tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng; quy định về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với luật sư; cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của luật sư, quy định rõ hơn cơ chế pháp lý bảo đảm cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, đồng thời đề cao trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong quá trình hành nghề; mở rộng hơn phạm vi hành nghề của luật sư; đơn giản hóa thủ tục hành chính thủ tục đăng ký tham gia tố tụng của luật sư...
Với các quy định nêu trên, số lượng luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ luật sư thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Luật Luật sư cho phép đa dạng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề nên số lượng tổ chức hành nghề luật sư ngày càng được tăng nhanh, trong đó có các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Quản lý luật sư và hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Luật sư đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như một số chủ trương, chính sách phát triển nghề luật sư chưa được thể chế hóa hay triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương; một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, thực tiễn phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, đặc biệt về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành luật sư, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư. Trong hoạt động hành nghề, luật sư vẫn còn gặp một số khó khăn khi tham gia tố tụng.
Vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư có điểm còn chưa tương xứng với yêu cầu. Một số nhiệm vụ pháp luật giao cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thực hiện đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả (như công tác giám sát tập sự hành nghề luật sư, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư, nội bộ một số đoàn luật sư trong một thời gian còn có biểu hiện mất đoàn kết hoặc chưa thực hiện hết trách nhiệm tự quản.
Báo cáo rà soát cũng nêu rõ, Luật Luật sư quy định về tiêu chuẩn luật sư còn mang tính định tính, khó xác định (có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật), dẫn đến tình trạng một số trường hợp đã từng bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm nhiều lần do vi phạm pháp luật, thậm chí bị tước quân hàm, quân hiệu quân nhân, cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên do vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành, vi phạm có tính chất hệ thống quy định của pháp luật nhưng vẫn có thể trở thành luật sư dẫn đến làm mất niềm tin của người dân, làm xấu hình ảnh, uy tín của nghề luật sư.
Quy định về các đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư còn dễ dãi, chưa phù hợp với yêu cầu về chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý, chưa tương thích với các nghề bổ trợ tư pháp khác (công chứng, đấu giá)...
Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp tham mưu xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội).
Cụ thể, hoàn thiện thể chế pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư; tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền hành nghề của mình, thông qua đó, luật sư góp phần bảo vệ công lý, hạn chế các sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó hoạt động bổ trợ tư pháp cũng có vai trò phối hợp và giám sát "ngược" đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Phát triển nghề luật sư chất lượng và bền vững với đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về tập quán pháp luật quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển đa dạng các lĩnh vực hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực (bên cạnh một số lĩnh vực truyền thống như tranh tụng, tư vấn pháp luật) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề của luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; xã hội hóa công tác đào tạo nghề luật sư bảo đảm lộ trình phù hợp, tính khả thi về nguồn lực xã hội và các điều kiện cần thiết có; rà soát, điều chỉnh các quy định đối với luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tương thích với các quy định đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số luật sư cho rằng, báo cáo rà soát 10 năm thi hành Luật Luật sư cần bao quát được thực tiễn, khó khăn hiện nay của giới luật sư. Việc đánh giá thực trạng, khó khăn phải cụ thể hơn, nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp luật và thực tiễn hoạt động của giới luật sư hiện nay. Từ đó, có các giải pháp thực sự hiệu quả, có tính đột phá để nâng cao vị thế luật sư trong thời gian tới…
Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang đề nghị cần xác định rõ luật sư có phải là một chức danh tư pháp hay luật sư là một nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xác định chính xác tính chất của nghề luật sư, mới có quy định cho phù hợp. Hiện nay, về quyền luật sư như một nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng nghĩa vụ như một chức danh tư pháp. Nếu xác định luật sư là một chức danh tư pháp, pháp luật cần có quy định phù hợp, thể chế hóa.
Đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội đề xuất bỏ quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư mà phải tham gia khóa bồi dưỡng để phù hợp với các nghề khác trong khối bổ trợ như: Công chứng, đấu giá, thừa phát lại. Đồng thời, bổ sung quy định luật sư không kiêm nhiệm các nghề bổ trợ khác như công chứng viên, thừa phát lại.
Trong công tác quản lý Nhà nước, Sở Tư pháp TP. Hà Nội cũng kiến nghị bổ sung thẩm quyền của Sở Tư pháp trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp/chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Công ty Luật hợp danh Việt Nam cho rằng, rất cần thiết khi Chính phủ ban hành một nghị định quy định về việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư trong đó cần cụ thể hóa: Trách nhiệm tổ chức hành nghề luật sư phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư đang hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư; phạm vi bồi thường thiệt hại của hãng bảo hiểm đối với tổ chức hành nghề luật sư.
Lê Sơn