Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Quang hỏi: Việc UBND cấp tỉnh tổ chức họp báo hàng tháng có cần được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông không?
Vấn đề ông Quang hỏi, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 17a Luật Báo chí và Điều 9, Điều 10 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí thì Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ, Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về báo chí.
Điều 19 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định việc họp báo chỉ được tổ chức khi được cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí (Cục Báo chí đối với tổ chức ở Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông đối với tổ chức, cá nhân tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đồng ý bằng văn bản.
Theo các quy định nêu trên thì khi Chính phủ tổ chức họp báo cũng như UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức họp báo tại địa phương mình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ cần thực hiện theo quy định của Luật Báo chí mà không cần phải có văn bản đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Sở Thông tin và Truyền thông.
Trong trường hợp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện việc họp báo của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông phải phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện việc họp báo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản giải đáp công dân gửi qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân