Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (thang.dtvt11b@...) phản ánh: Ông nội của chồng bà Nhung chết năm 1995. Năm 1998, 5 người con (trong đó có bố chồng bà Nhung) tự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của người cha đã chết. Bố chồng bà được chia diện tích đất là 114m2. Vợ chồng bà Nhung ở cùng bố chồng từ năm 1991 đến năm 2003.
Năm 2003 bố chồng bà kê khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), đã được UBND xã làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận.
Ngày 28/11/2003, UBND huyện đã ra quyết định cấp Giấy CNQSDĐ. Giấy chứng nhận ghi cấp cho hộ gia đình. Bố chồng bà là chủ hộ đại diện hộ gia đình đứng tên chủ sử dụng đất trong giấy chứng nhận. Khi được cấp giấy chứng nhận, hộ gia đình bà Nhung có 6 thành viên: Bố chồng (chủ hộ), mẹ chồng, con trai, con dâu, cháu nội sinh năm 1992, cháu nội sinh năm 2002.
Ngày 25/3/2011, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện đã đính chính Giấy CNQSDĐ, chủ sử dụng đất từ hộ gia đình sang thành cá nhân bố chồng bà, trong khi các thành viên khác trong hộ gia đình đều không biết.
Bà Nhung muốn được biết việc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đính chính là đúng hay sai? Khi đính chính và thay đổi nội dung trên Giấy CNQSDĐ có cần hỏi ý kiến các thành viên trong hộ gia đình không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Nhung như sau:
Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định việc đính chính Giấy chứng nhận đã cấp như sau: Khi phát hiện nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cấp, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với Giấy chứng nhận do UBND cấp huyện cấp.
Nếu sự việc đúng như bà Nguyễn Thị Hồng Nhung trình bày, sau khi người cha của bố chồng bà Nhung chết mà không để lại di chúc, việc thừa kế được áp dụng theo pháp luật.
Pháp luật về thừa kế ở từng thời điểm cụ thể được nêu tại khoản 1, Điều 25 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; khoản 1, Điều 679 Bộ Luật dân sự năm 1995; khoản 1, Điều 676 Bộ Luật dân sự năm 2005 đều quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Trường hợp bà Nhung phản ánh, vào thời điểm ông nội chồng bà chết, hàng thừa kế thứ nhất chỉ có 5 người con đẻ thì 5 người con đó là người thừa kế. Việc 5 người con (trong đó có bố chồng bà Nhung) thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của người cha để lại khi chết và lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, quyền sử dụng 114m2 đất ở mà bố chồng bà Nhung được chia thừa kế theo pháp luật từ di sản của người chết là tài sản riêng của bố chồng bà Nhung, không phải là tài sản của tất cả các thành viên trong hộ gia đình.
Khi cấp Giấy CNQSDĐ theo đề nghị của bố chồng bà Nhung, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã có sự sai sót khi ghi tên bố chồng bà Nhung với vai trò là chủ hộ đại diện cho hộ sử dụng đất, trong khi quyền sử dụng đất đó thuộc riêng cá nhân ông, do ông được thừa kế riêng.
Vì vậy, khi biết việc sai sót này, bố chồng bà Nhung có quyền đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đính chính, hoặc khi Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phúc tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận mà phát hiện ra sai sót thì Phòng sẽ yêu cầu bố chồng bà Nhung mang giấy chứng nhận đến để cơ quan đính chính lại cho đúng.
Căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của cá nhân bố chồng bà là quyền thừa kế của ông theo pháp luật, việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế năm 1998; sổ mục kê đất đai, sổ địa chính lập tại UBND xã và việc không có các giấy tờ khác thể hiện bố chồng bà đã nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của hộ gia đình, thì có thể xác định ngoài bố chồng bà Nhung là chủ sử dụng 114 m2 đất, các thành viên khác trong hộ gia đình bà Nhung không phải là chủ sử dụng đất, theo đó khi đính chính tên chủ sử dụng đất cho đúng với hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ cần thông báo, mà không phải hỏi ý kiến của các thành viên khác không có quyền về tài sản được chứng nhận .
Việc đính chính tên người sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận là việc cơ quan có thẩm quyền ghi lại cho đúng tên người có quyền sử dụng đất. Việc đính chính này nếu có căn cứ thì đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Các tin liên quan:
>> Chuyển quyền sử dụng đất trong gia đình