• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quy hoạch không gian biển mở ra cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi

(Chinhphu.vn) – Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển sẽ mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng cao thu nhập và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

20/04/2023 18:29
Quy hoạch không gian biển mở ra cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi - Ảnh 1.

Điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng

Tại Hội thảo "Điện gió ngoài khơi và quy hoạch không gian biển Việt Nam" diễn ra chiều 20/4, các chuyên gia cho rằng, điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển, đặc biệt là xác định các vùng biển tiềm năng và phân vùng hợp lý để phát triển điện gió ngoài khơi.

Cần có nghiên cứu chuyên sâu về điện gió ngoài khơi

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển, đặc biệt là xác định các vùng biển tiềm năng và phân vùng hợp lý để phát triển điện gió ngoài khơi. Quy hoạch không gian biển đang được Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì lập và sẽ được trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia biển với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Theo tính toán, khu vực có độ sâu đáy biển trên 20 m thì tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80.000 MW với tốc độ gió trên 7-9 m/s.

Bên cạnh đó, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết "xanh", được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho "ngôi nhà chung" an toàn của nhân loại.

Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế đã chính thức thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). "Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội", ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Với tầm quan trọng trên, theo ông Tạ Đình Thi, đối với các khu vực được quy hoạch để phát triển điện gió ngoài khơi cần có các nghiên cứu chuyên sâu để đề xuất cụ thể. Hiện nay mới chỉ xác định các vùng biển có tiềm năng phát triển điện gió theo khu vực và địa danh các tỉnh, như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng.

Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang chủ trì tham mưu Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Một trong những mục tiêu của cuộc giám sát là đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách về phát triển năng lượng.

"Chính vì vậy, kết quả hội thảo hôm nay sẽ là đầu vào rất giá trị để giúp chúng tôi có thêm những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch không gian biển, phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi, trong quá trình tham mưu phục vụ Đoàn giám sát kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan và phục vụ quá trình xem xét, thông qua quy hoạch không gian biển", ông Tạ Đình Thi chia sẻ.

Hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0

Bày tỏ quan điểm về hướng phát triển của điện gió tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh: "Đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã công bố tại COP26, trong đó có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Theo bà Ramla Khalidi, quy hoạch không gian biển nên được coi là một quá trình liên tục. Điều quan trọng là phải đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành quy hoạch, cũng như xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ được thực hiện một cách công khai, có tham khảo ý kiến của mọi đối tượng trong xã hội. Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng, để đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.

Có chung quan điểm, bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, quy hoạch không gian biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần khai thác bền vững năng lượng gió ngoài khơi mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên biển. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển biển xanh bền vững.

Quan trọng hơn, theo Đại sứ Solbakken, việc giải phóng tiềm năng điện gió ngoài khơi thông qua quy hoạch không gian biển bền vững sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được 2 mục tiêu rất quan trọng, đó là thực hiện mục tiêu thu nhập cao và đưa phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Na Uy, Anh và một số quốc gia khác đã chia sẻ và đưa ra những khuyến nghị có giá trị liên quan tới quy hoạch đại dương bền vững, phân vùng trong quy hoạch không gian biển, phát triển điện gió ngoài khơi, đánh giá các khu vực phát triển điện gió.

Thu Cúc