Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ bên lề Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rõ trong bản quy hoạch. Đây là điểm rất đáng mừng".
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá chất lượng của bản quy hoạch đã được nâng lên sau mỗi lần đóng góp ý kiến. Ban Biên tập đã tiếp thu ý kiến một cách rất nghiêm túc, cẩn thận. Từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, thể hiện sự cầu thị lắng nghe, nhờ thế chúng ta hy vọng sẽ có bản quy hoạch quốc gia tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, không nên kỳ vọng trong một bản quy hoạch phải giải quyết hết tất cả các mong muốn "nén" vào trong đó, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có cuộc đua tranh lớn với thế giới. Ngoài các chương trình phát triển thông thường thì bản quy hoạch cần tạo ra những tuyến đột phá rất mạnh.
"Một trong những tuyến đột phá mà trong quy hoạch này đã thiết kế rất rõ đó là dự kiến mục tiêu có 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030. Hiện nay nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải lưu thông với tốc độ cao, đòi hỏi phải có sự kết nối hiệu quả trong khi đất nước ta có hình thể dài mà độ mở lại lớn nên cách tiếp cận làm đường cao tốc chắc chắn là cách tiếp cận rất cơ bản để tạo ra đột phá", PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, kinh nghiệm của thế giới và ngay cả ở các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, gần đây là Trung Quốc đã cho thấy một thực tế, đó là trong giai đoạn đầu, càng dốc sức làm đường cao tốc để tạo nền tảng thì nền kinh tế càng bay lên nhanh, chất lượng phát triển cao.
"Trong những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực dốc sức cho xây dựng đường cao tốc, đôn đốc, tạo mọi điều kiện cơ chế, chính sách để giải quyết ách tắc. Và lần nay thể hiện trong bản quy hoạch. Đây là điểm rất đáng mừng. Tôi tin những điều đó sẽ mang lại những đột phá mạnh", PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quy hoạch quốc gia phải dựa trên khung mang tính chất nền tảng, đó là quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng. Trong quy hoạch hạ tầng, mạch chính là tuyến đường cao tốc, nhưng vẫn còn các tuyến khác cần chú ý thêm như: Tuyến đường sắt cao tốc, các cảng hàng không, cảng biển – đây là những "tọa độ" cùng với đường cao tốc phải đồng nhịp, đồng hành với nhau, bởi nếu chú ý mỗi đường bộ cao tốc thì cũng không bảo đảm hiệu quả tốt nhất.
Cùng quan điểm, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia lần này nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó, không chỉ vấn đề phát triển vùng mà là toàn bộ không gian phát triển đất nước được định hình bởi hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng về giao thông là hàng đầu, cần phải tập trung và đẩy mạnh.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước có ưu tiên rất lớn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng nhiều lần trực tiếp đi đôn đốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
"Đó là cơ hội ngàn năm có một, tôi tin chắc rằng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, ngành giao thông vận tải thì đường cao tốc Bắc - Nam sẽ về đích đúng kế hoạch. Đến năm 2025, hy vọng chúng ta sẽ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam và có thể có một số tuyến cao tốc trên các hành lang khác như từ Châu Đốc - Sóc Trăng, Nha Trang - Đắk Lắk. Như vậy sẽ làm cho bộ mặt đất nước thay đổi, phát triển lên một bước", GS.TSKH Lã Ngọc Khuê bày tỏ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ bước thứ nhất của giai đoạn đến năm 2030. Nếu chỉ dựa vào hệ thống đường bộ cao tốc thì hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thể đồng bộ được.
"Thế nào là một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ?", GS.TSKH Lã Ngọc Khuê đặt vấn đề.
Theo GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là khi các chuyên ngành vận tải được sắp xếp, phân công theo đúng chức năng và vai trò của nó. Vậy làm thế nào để tận dụng được ưu thế của các chuyên ngành vận tải, đặc biệt là đường sắt?.
"Đường sắt lâu nay khó khăn là bởi đặc tính của nó phải có sự đầu tư cao, do vậy trong những năm qua chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư, nhưng đây là ngành tiêu tốn vật tư, kỹ thuật, năng lượng ít nhất và rất an toàn. Một tấn km đi trên đường sắt thì tiêu tốn năng lượng chỉ bằng 1/10 một tấn km đi trên đường bộ", GS.TSKH Lã Ngọc Khuê nêu.
Nhấn mạnh ngành vận tải đường sắt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà lâu dài về sau, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, trong quy hoạch tổng thể lần này thể hiện rất rõ điều đó. Trong số hành lang phát triển có hành lang Bắc – Nam, hành lang này trước mắt dựa vào đường bộ cao tốc nhưng sau năm 2030, chúng ta phải khởi công và làm thế nào để đến năm 2040 đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể hoàn thành.
Tại phiên họp ngày 28/10/2020 tổng kết 10 năm Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ là trục xương sống cho toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng nói chung. Đó là những định hướng phát triển. Vì thế, ngoài hệ thống đường bộ cao tốc, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đưa vào hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một dự án, một công trình trọng điểm.
Nhấn mạnh thêm về giao thông đô thị, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng, hiện nay giao thông đô thị đang gặp nhiều vấn đề lớn. Với đặc điểm đất chật, người đông nên mức độ tích tụ phương tiện của nước ta căng thẳng hơn so với các nước trong khu vực. Nếu không giải quyết vấn đề giao thông đô thị thì Hà Nội và TPHCM không thể phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế để tạo nên động lực phát triển liên vùng.
"Liên kết giữa các trung tâm lớn là TPHCM, Hà Nội với liên vùng thì dứt khoát phải phát triển hệ thống giao thông công cộng nhưng không phải chỉ bằng vào các tuyến đường xuyên tâm và các tuyến đường vành đai mà quan trọng là phải bằng hệ thống đường sắt đô thị kết nối với hệ thống đường sắt liên vùng", GS.TSKH Lã Ngọc Khuê nêu quan điểm.
Khi người dân ở nội đô hay ở liên vùng đều có thể sử dụng đường sắt đô thị thì lúc đó, chúng ta mới tính được bài toán hạn chế phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố, vào nội đô. Tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng tối thiểu phải đạt được 50% các chuyến đi thì chúng ta mới khắc phục được những vấn đề hiện nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Quy hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng.
Hoàng Giang