Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tốt sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa |
Sơ kết 6 tháng đầu năm lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tình hình lao động 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 6, có nhiều biến động. Lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.
Theo báo cáo, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Sự suy giảm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như ngành về may mặc, da giày, túi xách; ngành thương mại điện tử, ngành du lịch; ngành khách sạn nhà hàng; ngành vận chuyển, giao nhận... Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỉ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động lớn đến lực lượng lao động và chuỗi cung ứng dẫn tới tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngưng việc tăng cao. “Chưa có thời điểm nào tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao như thời điểm này (khoảng 2,56%, trong khi cuối năm 2019 con số này là 1,98%); quy mô lao động của Việt Nam từ 55,4 triệu người xuống còn khoảng 52 triệu người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh gãy đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu còn kèm theo tình trạng sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được. Thời gian qua, việc ngừng việc, giãn việc, thậm chí thất nghiệp đã xảy ra ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tự do, tác động này nếu không được xử lý sớm, thời gian tới việc thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở những doanh nghiệp FDI, những tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản…
Bên cạnh đó, do tình hình các nước chưa phục hồi do COVID-19, trong 6 tháng qua, cả nước chỉ đạt 30% kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong khi đó, lĩnh vực này thường chiếm tới 10% tổng số lao động có việc làm hằng năm trong cả nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường. Dự báo thị trường lao động Việt Nam quý III sẽ tốt hơn, đạt quy mô khoảng 55,4 triệu người.
Bộ trưởng ghi nhận, các địa phương và Trung ương đã rất năng động trong việc khắc phục tình hình. Doanh nghiệp cố gắng chia sẻ với người lao động và ngược lại. Nhiều ngành nghề đã dần khôi phục. Bộ cũng đã tham mưu với Đảng và Nhà nước về gói an sinh 62.000 tỷ đồng. Tới nay, các địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ 15,8 triệu người, tương ứng với số tiền hỗ trợ hơn 11.000 tỷ đồng (tới ngày 30/6). Bên cạnh đó, nhiều quy định về việc thực hiện tạm dừng đóng BHXH đã sớm được triển khai, thực hiện các chính sách BHTN trên 6.000 tỷ đồng, bằng 180 % so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các chính sách khác của Bộ cũng được hiện đồng bộ, như công tác người có công, việc làm, giảm nghèo, bảo vệ trẻ em... đã có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có những điều chỉnh uyển chuyển trong triển khai đào tạo trực tuyến.
Ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574.000 người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 540.000 người, bằng 76,1% cùng kỳ; đưa trên 34.000 người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%.
Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; tiếp tục đào tạo thí điểm cho 22 nghề cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Thu Cúc