• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu chống buôn lậu thuốc lá kém hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Việc chống buôn lậu thuốc lá cần sự phối hợp của các lực lượng khác nhau, vào cuộc quyết liệt thật sự và phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

14/11/2016 16:27

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung trao đổi giữa Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) Đàm Thanh Thế với phóng viên Báo điện tử Chính phủ.

Ông đánh giá về diễn biến tình hình, hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá thời gian qua thế nào?

Ông Đàm Thanh Thế: Thời gian qua, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên nắm bắt tình hình, nhận diện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi buôn lậu qua biên giới. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua, các lực lượng chức năng của 6 địa phương trọng điểm phía Nam gồm Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, TPHCM đã quyết liệt triển khai, phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.858 vụ, thu giữ 12.755.902 bao thuốc lá, khởi tố hình sự 392 vụ với 491 đối tượng.

Tình hình buôn lậu thuốc lá có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng cũng như tình hình an ninh trật tự.

Thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực nhưng thực tế kết quả chưa đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ. Qua thực tế diễn biến cho thấy, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp, công tác phối hợp chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu là do đường biên giới dài, địa hình phức tạp, giao thông có nhiều kênh rạch, các đối tượng buôn lậu manh động, liều lĩnh. Hơn nữa, lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá mang lại cao trong khi đời sống cư dân biên giới khó khăn.

Trong thực tế đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ở một số địa phương đã bộc lộ sự thiếu hiệu quả, theo ông nguyên nhân là gì?

Ông Đàm Thanh Thế: Thời gian qua, một số địa bàn trọng điểm chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác tuyên truyền chưa có bề rộng, chưa xây dựng được phong trào quần chúng. Ngoài ra, tính chủ động tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân ở một số nơi chưa cao. Cùng với đó, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng chưa thường xuyên và liên tục, có tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Lực lượng thi hành nhiệm vụ còn thiếu, các phương tiện còn hạn chế, sự phối hợp đôi khi còn mờ nhạt, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Thực trạng, ở một số địa phương có hiện tượng những nhóm buôn lậu vài chục xe máy vận chuyển thuốc lá qua biên giới, thậm chí vận chuyển từ xã, huyện sát biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Thực trạng này đã được nhân dân và dư luận phát hiện, tố giác. Điều đó chứng tỏ hiệu quả ngăn chặn của các cơ quan chức năng ở các địa phương còn chưa cao.

Theo ông để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá thì những giải pháp gì cần ưu tiên triển khai?

Ông Đàm Thanh Thế: Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm phía nam, cần có sự phối hợp đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng.

Các lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra bám sát địa bàn, đánh giá khả năng triển khai phương án phòng ngừa buôn lậu thuốc lá.

Cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; biểu dương kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm. Nếu phát hiện có tiếp tay cho các đường dây, ổ nhóm thì phải xử lý nghiêm để răn đe. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nếu để xảy ra vi phạm.

Các cán bộ, công chức thi hành nhiệm vụ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như có sự phối hợp chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ.

Tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nhất là trao đổi thông tin trong đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá, trước hết là hợp tác với các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới như Lào, Campuchia…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chi thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm cần xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chuyên án lớn để đấu tranh, đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Tại biên giới, cần giao lực lượng Biên phòng, Hải quan, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống buôn lậu thuốc lá qua biên giới. Trong nội địa, lực lượng Quản lý thị trường chủ động đấu tranh triệt phá các đường dây. Lực lượng Công an tăng cường lập các chuyên án lớn, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường đấu tranh triệt phá các đường dây, đối tượng buôn lậu thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm.

Về pháp luật, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại…, trong đó có buôn lậu thuốc lá.

Huy Thắng (thực hiện)