Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy trình nhập kết quả chấm thi cụ thể trong Hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tổ nhập điểm được thành lập và thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Quy chế thi. Trong quá trình thực hiện nhập điểm cần lưu ý một số nội dung.
Quy trình nhập điểm: Người được giao nhiệm vụ tổ chức nhập điểm là thành viên của ban thư ký hội đồng thi (sau đây gọi là người quản trị nhập điểm) được cung cấp 1 tài khoản phần mềm để thực hiện việc nhập điểm vào phần mềm hỗ trợ chấm thi trong hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT.
Ngay sau khi tài khoản được cấp, người sở hữu tài khoản phải đổi mật khẩu và bảo vệ mật khẩu của mình; sử dụng tài khoản được cấp với các chức năng của phần mềm để tổ chức nhập điểm theo 6 bước.
Bước 1. In biên bản chấm thi (biểu số 04 trên phần mềm hỗ trợ chấm thi), giao cho trưởng ban chấm thi tự luận để giao cho trưởng môn chấm thi hoặc tổ trưởng tổ chấm thi được ủy quyền.
Bước 2. Nhận biểu số 04 (đã ghi điểm và có ký xác nhận của các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi/tổ trưởng tổ chấm thi được ủy quyền).
Bước 3. Tổ chức nhập điểm 2 vòng độc lập (cách thức thực hiện theo hướng dẫn sử dụng phần mềm).
Bước 4. In biên bản đối sánh kết quả 2 vòng nhập (từ phần mềm hỗ trợ chấm thi), nếu có sai lệch giữa 2 vòng nhập, phải kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch.
Bước 5. In biểu điểm đã nhập vào máy tính theo từng túi chấm (chỉ có thông tin số phách, điểm), tổ chức kiểm tra, đối chiếu lại với biểu số 04, người quản trị nhập điểm phải chịu trách nhiệm và xác nhận rằng việc nhập điểm không có sai sót.
Bước 6. Khóa chức năng nhập điểm bài thi tự luận.
Khớp phách: Chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc chấm thi và nhập điểm vào phần mềm.
Khớp phách trên phần mềm: Ghép toàn bộ dữ liệu nhập điểm bài thi tự luận với dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách (do ban làm phách cung cấp sau khi hoàn thành công tác nhập điểm).
Khớp phách bằng tay: Sau khi thực hiện thành công việc khớp phách trên phần mềm, in biểu kiểm dò từ phần mềm để ban thư ký hội đồng thi khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận; nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo chủ tịch hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Các túi bài thi được mở và sử dụng trong quá trình khớp phách phải được niêm phong lại; bài thi đã khớp phách được đóng trong các túi bài thi riêng và niêm phong; trên nhãn niêm phong của các túi bài thi phải có chữ ký của những người trực tiếp thực hiện.
Tổ chức nhập điểm các bài thi trắc nghiệm theo các bước sau:
Bước 1. Nhận đĩa CD kết quả chấm thi (được xuất từ phần mềm chấm thi trắc nghiệm).
Bước 2. Sử dụng chức năng của phần mềm hỗ trợ chấm thi trong hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT để nhập (import) điểm từ CD kết quả chấm thi vào máy tính.
Cập nhật điểm thi vào Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT theo 3 bước.
Bước 1. Ghi đĩa tổng hợp điểm:
Sau khi đã nhập xong toàn bộ điểm của tất cả các bài thi của hội đồng thi vào máy tính qua phần mềm hỗ trợ chấm thi, quản trị nhập điểm xuất tệp tổng hợp điểm thi bằng chức năng của phần mềm hỗ trợ chấm thi, ghi tệp tổng hợp điểm thi vào đĩa 2 CD giống nhau; 1 đĩa gửi về Cục Quản lý chất lượng, 1 đĩa giữ lại hội đồng thi.
Bước 2. Tải điểm lên hệ thống Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT. Cục Quản lý chất lượng tải điểm từ đĩa tổng hợp điểm (do hội đồng thi gửi đến) lên Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT.
Bước 3. Đối sánh kết quả:
Hội đồng thi sử dụng chức năng của Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT và đĩa tổng hợp điểm hoặc tệp tổng hợp điểm lưu tại hội đồng để đối sánh với điểm đã tải lên hệ thống.
Các hội đồng thi kiểm soát chặt chẽ tình trạng vắng thi của thí sinh, bảo đảm thí sinh vắng thi bài thi/môn thi nào sẽ không hiển thị điểm của bài thi/môn thi đó trên hệ thống.
Nhật Nam