Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với phóng viên về yêu cầu cắt giảm thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ ngành, vị TS nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng trong vấn đề này. Song ông cũng lo ngại rằng những cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục sẽ thiếu nhiệt tình thực hiện.
Ảnh minh họa |
“Sao lại đặt khu vệ sinh ở đây?”
Theo TS Phạm Sĩ Liêm, điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần, cần hơn cả việc đơn giản hóa thủ tục, là các thủ tục phải minh bạch, công khai, chỉ rõ các khâu thực hiện, các giấy tờ cần thiết.
Bởi thiếu công khai, minh bạch chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khá phổ biến hiện nay: Khi doanh nghiệp đến xin giấy phép xây dựng, cán bộ nói thiếu giấy tờ này, doanh nghiệp về mất thêm 1 tuần để chuẩn bị, lần sau đến thì cán bộ lại nói thiếu giấy tờ khác… Thậm chí, có cán bộ nhìn bản vẽ xong hoạnh họe rằng “tại sao khu vệ sinh lại đặt ở đây”?
“Chúng ta cũng hay nghe nói đến chuyện nhà này chỉ được xây 12 tầng nhưng lại vi phạm làm tới 15 tầng. Tại sao người ta không xin 15 tầng? Tôi tin rằng người ta xin 15 tầng nhưng bên cấp phép chỉ cho 12. Người ta nói vượt rồi chịu phạt còn rẻ hơn đi xin phép. Vì xin phép thì phải “bôi trơn” nhiều cửa, nhưng phạt thì chỉ cần qua 1 cửa thôi”.
TS Phạm Sĩ Liêm cũng kiến nghị, các cơ quan nhà nước phải tăng cường cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực cấp phép xây dựng. Nếu bên cấp phép có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì doanh nghiệp không phải đi bao nhiêu “cửa” để hỏi về thoát nước, về phòng cháy chữa cháy… như vậy.
“Có những vấn đề mà bên cấp phép chỉ cần gọi điện hỏi các cơ quan liên quan là xong, nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản được “áp triện đóng dấu”. Bởi vì quyền muốn có nhưng trách nhiệm muốn tránh, họ vừa muốn giữ quyền cấp phép, vừa muốn tránh trách nhiệm về các vấn đề liên quan khi có sự cố xảy ra”, ông Liêm phân tích.
Còn trong lĩnh vực đất đai, PGS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng với Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn mới đây của Chính phủ, khung pháp lý đã tương đối tốt, các trình tự thủ tục trong lĩnh vực đất đai đã “tương đối gọn ghẽ, hợp lý”. Nhưng câu chuyện của Việt Nam vẫn là việc thực thi của cán bộ thực hiện.
Chẳng hạn, trên thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có cơ hội được giao đất trực tiếp. Bởi theo quy định thì địa phương phải giới thiệu địa điểm đầu tư, nhưng không có quy định phải công khai các địa điểm đang kêu gọi đầu tư trên trang tin điện tử của địa phương.
“Với nhà đầu tư này, địa phương có thể giới thiệu 10 địa điểm, nhưng cũng có những nhà đầu tư được thông báo chẳng còn địa điểm nào, hoặc được giới thiệu một địa điểm mà không thể đầu tư được, ví dụ tít trên núi cao”, ông Võ nói.
Những vấn đề “phía sau thủ tục”
Trao đổi với phóng viên, không hẹn mà gặp, cả hai vị nguyên Thứ trưởng này đều góp ý rằng, để tạo đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, thì cùng với cải cách thủ tục hành chính, chúng ta phải quan tâm cả những vấn đề “phía sau thủ tục”.
Cụ thể, TS Đặng Hùng Võ cho rằng hiện chúng ta đang quản lý theo các tiêu chí hình thức thay cho các tiêu chí nội dung. Ví dụ, chúng ta yêu cầu nhà đầu tư phải thể hiện năng lực bằng cách chứng minh được hiện có bao nhiêu tiền ở ngân hàng. Quy định này hoàn toàn mang tính hình thức, bởi nhà đầu tư có thể huy động số tiền đó từ người thân trong một thời điểm, khi cơ quan chức năng kiểm tra xong thì lại hoàn trả.
Còn các nước thì chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp công khai toàn bộ báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán trong một số năm gần nhất. Các báo cáo này đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện hoạt động của doanh nghiệp trong một số năm nhất định.
“Khi chọn cách quản lý theo các tiêu chí hình thức thì ta phải làm rất nhiều thủ tục, vì thủ tục bao giờ cũng gắn với hình thức. Khi chuyển sang quản lý bằng nội dung thì số lượng thủ tục sẽ giảm đi”, ông Võ phân tích.
Một ví dụ khác: Theo Luật Đất đai hiện hành, một trong những điều kiện để được giao đất là doanh nghiệp không vi phạm pháp luật về đất đai. Và cơ quan tài nguyên và môi trường phải rà soát toàn bộ lại các dự án trên toàn quốc của doanh nghiệp để xem có vi phạm gì không. Quá trình thẩm định đó rất phức tạp, và vì phức tạp nên “đẻ” ra rất nhiều thủ tục con mà pháp luật không quy định. Trong khi đó, doanh nghiệp có vi phạm hay không thì báo cáo kiểm toán đã thể hiện đầy đủ.
Ông Võ cho rằng, nếu các nhà quản lý không phân tích được báo cáo kiểm toán thì thuê chuyên gia hoặc các đơn vị độc lập phân tích, thẩm định và đến đây, câu chuyện về tính chuyên nghiệp lại được đặt ra. Hiện chúng ta vẫn quan niệm rằng việc thẩm định luôn luôn là việc của cơ quan nhà nước. Nhưng trong một nền hành chính chuyên nghiệp thì với những gì thuộc về chuyên môn sâu, Nhà nước hãy đi thuê các doanh nghiệp hoặc các đơn vị chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực. Như vậy, phần việc mà Nhà nước phải làm sẽ giảm đi, đồng thời với việc giảm cơ hội để cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng để thực hiện thủ tục được thuận lợi, thì cả bên cấp phép, cả bên đi xin phép đều phải cần chuyên nghiệp hơn. Bên xin phép đã đành, ngay cả bên cấp phép được giao quyền cũng chưa chắc đã am hiểu về chuyên môn, mà câu hỏi “tại sao đặt khu vệ sinh ở đây” ở trên là một ví dụ… Một hướng giải quyết cho vấn đề này là phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, ví dụ như các đại lý thuế chuyên thực hiện các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng luật pháp của Việt Nam đang thiên về quy định những gì mà người dân được phép làm, trong khi lẽ ra luật pháp phải thiên về cấm những hành vi gây hại. Chúng ta đang sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng người dân, doanh nghiệp “được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm” và đây là một hướng đi tích cực.
Vị chuyên gia từng có kinh nghiệm quản lý nhà nước này cho rằng đó cũng là then chốt của việc cải cách thủ tục hành chính, bởi từ đó sẽ chấm dứt cơ chế xin cho, chấm dứt sự tùy tiện của cán bộ nhà nước.
Hà Chính