• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

'Quyết định' chưa có tiền lệ cứu sống trẻ bị lỗi nhịp tim cận kề cửa tử

(Chinhphu.vn) – Một trẻ sơ sinh nặng 2,1kg, trái tim chỉ đập 35-50 nhịp/phút. Sự sống của trẻ được tính bằng giây, bằng phút. Các bác sĩ của hai bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Nhi Trung ương đã đưa ra một quyết định táo bạo, lập ngay phòng mổ đặc biệt để cứu sống trẻ.

09/11/2023 14:20
“Quyết định” chưa có tiền lệ cứu sống trẻ bị lỗi nhịp tim cận kề cửa tử - Ảnh 1.

Hàng chục y, bác sĩ của nhiều chuyên khoa thuộc 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Nhi Trung ương "chạy đua" xuyên đêm để thực ca mổ lấy thai và phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim cho trẻ.

Sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội) phát hiện thai nhi trong bụng bị rối loạn nhịp tim khi mang thai ở tuần thứ 22. Nhịp tim của thai nhi chỉ 50-60 lần/phút, trong khi nhịp tim thông thường của thai nhi dao động từ 120 - 160 lần/phút.

Cùng với tiền sử mắc bệnh Lupus ban đỏ, sản phụ T.L được chỉ định nhập viện ngay để theo dõi. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ chẩn đoán, thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp độ 3. Đây là bệnh lý rối loạn nhịp tim rất nặng. 

Theo TS.BS Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa sản phụ A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong quá trình theo dõi, thăm khám cho sản phụ và thai nhi, các bác sĩ kỳ vọng sẽ giữ thai đến 37 tuần để em bé đủ phát triển và trải qua cuộc phẫu thuật đặt máy tạo nhịp ngay sau sinh. Tuy nhiên, khi thai kỳ ở tuần thứ 35, chức năng tim thai của trẻ diễn biến xấu rất nhanh, có dấu hiệu bị phù tim.  

"Trái tim của trẻ có thể ngừng đập ngay trong bụng mẹ hoặc ngay những giờ đầu sau khi chào đời. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai khi thai nhi ở tuần thứ 35. Tuy nhiên, ngay sau sinh, nếu di chuyển trẻ từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sang Bệnh Nhi Trung ương, mặc dù chỉ vài trăm mét nhưng trẻ có thể không qua khỏi trước khi lên bàn phẫu thuật", GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, những ca bệnh rối loạn nhịp tim nặng như trường hợp này không hiếm gặp. Nhưng đa số việc đón trẻ chào đời không thành công vì sự sống của trẻ được tính bằng phút. Thậm chí, đã có gia đình tốn tiền tỉ để đưa trẻ sang nước ngoài điều trị nhưng vẫn thất bại.

“Quyết định” chưa có tiền lệ cứu sống trẻ bị lỗi nhịp tim cận kề cửa tử - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này. Ảnh: VGP/HM

Trước tình huống căng thẳng và gấp rút để cứu mạng người, các bác sĩ 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định lập khẩn trương phòng mổ đặc biệt, đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt, ngay cạnh phòng mổ đẻ cho sản phụ, để kịp thời phẫu thuật cho trẻ ngay sau khi chào đời.

Chỉ trong 16 giờ đồng hồ, thay vì 2 tuần để chuẩn bị phòng mổ này, hàng chục y, bác sĩ từ nhiều chuyên khoa của 2 Bệnh viện được huy động "chạy đua" xuyên đêm để thực ca mổ lấy thai và phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim cho trẻ ngay sáng hôm sau.

"Mặc dù hai chuyên ngành sản và nhi thường xuyên phối hợp để cứu sống nhiều bệnh nhi, tuy nhiên, quyết định lập phòng mổ này chưa có tiền lệ", Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.

Sau khi chào đời, trẻ nặng hơn 2,1kg, nhịp tim chỉ 50 lần/phút, có lúc xuống 35 lần/phút, trẻ bị suy tim. Nhận định trước được tình huống này, các bác sĩ 2 viện đã nhanh chóng làm xét nghiệm và đánh giá tình hình sức khoẻ của trẻ.

15 phút sau chào đời, bé gái bắt đầu được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Khi nhịp tim lên 120 lần/phút, trẻ được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực. 

Đến nay, sau gần 1 tháng, cân nặng của trẻ đã tăng lên 2,5kg, tình trạng sức khỏe ổn định. 

GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, đây là trẻ sơ sinh đầu tiên mắc bệnh lý rối loạn nhịp tim nặng, suy tim, được cứu sống thành công, mở ra trang mới trong việc phối hợp 2 chuyên ngành sản - nhi, tăng cơ hội cứu sống những em bé có bệnh tương tự thay vì nhiều năm nay việc đón những trẻ này chào đời thường thất bại.

Từ ca bệnh đặc biệt này, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang có định hướng thiết kế buồng mổ chuyên sâu (như tim mạch) cho trẻ sơ sinh, đặt ngay cạnh phòng mổ đẻ, nhằm tăng cơ hội cứu những em bé mà sự sống chỉ tính bằng từng giây, từng phút. 

Theo TS Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện nay mỗi năm, có khoảng 30.000-40.000 trẻ sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, trong số đó có 1% trẻ có dị tật tim bẩm sinh.

Trẻ mắc tim bẩm sinh có rất nhiều thể, trong đó có những bệnh có thể can thiệp trong năm đầu sau sinh, nhưng cũng không ít trường hợp phải cấp cứu khẩn trương để cứu sống trẻ. Trường hợp rối loạn nhịp như trên thì sự sống chỉ tính bằng giây, bằng phút. Đây là thách thức lớn cho cả bác sĩ sản và nhi khoa.

Với kỹ thuật hiện đại ngày nay, nhiều bệnh tim bẩm sinh có thể phát hiện khi thai ở tuần thứ 18-22, cũng có những bệnh lý phát hiện được từ tuần thai thứ 12-16. Tuy nhiên, cũng chỉ 70% các bệnh lý tim bẩm sinh được phát hiện trong thời kỳ mang thai. 

Riêng với bệnh block nhĩ thất cấp độ 3 gần như không có thuốc để điều chỉnh nhịp tim. Bệnh này thường phát hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

Thuý Hà