Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2023, với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, chủ động, quyết tâm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cùng sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục đã khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị và các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ đột xuất, quan trọng ngoài kế hoạch công tác hàng năm đã được Cục thực hiện theo sự phân công của lãnh đạo Bộ, bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu về chất lượng.
Công tác kiểm tra văn bản QPPL được thực hiện ngày càng hiệu quả, đảm bảo chính xác, kịp thời phát hiện, kết luận, kiến nghị và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật, gắn công tác kiểm tra văn bản QPPL với công tác kiểm tra của Đảng, giám sát của Quốc hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Việc xử lý văn bản có quy định không phù hợp pháp luật sau khi tự kiểm tra phát hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận đã được cơ quan ban hành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn, vì lợi chung của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Trong công tác rà soát văn bản, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ rà soát tổng thể và rà soát chuyên đề, lĩnh vực theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền; tích cực nghiên cứu xử lý kết quả rà soát văn bản trong các năm 2020, 2021 và 2022; rà soát văn bản QPPL để phục vụ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện ngày càng nề nếp, chất lượng, hiệu quả công tác hợp nhất, hệ thống hóa văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL theo quy định, trong đó đặc biệt là đã sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam, vượt tiến độ 01 năm so với thời hạn đề ra để góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận, quản lý, tra cứu, áp dụng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: khối lượng công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục rất lớn, đặc biệt là nhiệm vụ chủ trì tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết Quốc hội chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền; công tác kiểm tra theo thẩm quyền tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, thường xuyên,...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận những kết quả Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã đạt được trong năm 2023 và cơ bản nhất trí với định hướng công tác của Cục đến hết nhiệm kỳ và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024. Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương với Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong triển khai các nhiệm vụ công tác trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Kiểm tra văn bản QPPL cần lưu ý, quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Quán triệt, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; thực hiện có trách nhiệm, chất lượng cao nhiệm vụ tham gia thẩm định văn bản QPPL thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và rà soát dự thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành, trong đó chú trọng tính dự báo, tính khả thi của chính sách, quy định để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tham mưu với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 77-KL/BCSĐ ngày 12/9/2023 của Ban cán sự đảng Bộ về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; không ngừng tăng cường tính chủ động trong thực hiện công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ là Bộ phận thường trực, đơn vị đầu mối, tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành liên quan để tham mưu, xây dựng và tổ chức triển khai thật tốt Kế hoạch hoạt động và các nội dung công việc của Tổ công tác trong năm 2024 để tiếp tục rà soát, xử lý các quy định pháp luật bất cập, không còn phù hợp, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh lưu ý, cần không ngừng chủ động trong thực hiện công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Kiểm tra đầy đủ, kịp thời đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó chú trọng các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt, chặt chẽ trong việc theo dõi, kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật theo quy định. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản, đặc biệt là phương pháp, cách thức đảm bảo phát hiện nhanh, xử lý kịp thời và triệt để văn bản có quy định trái pháp luật, không phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và mong muốn của người dân, xã hội.
Tổ chức triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện kết quả hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 đúng quy định, hiệu quả để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để nâng cao giá trị sử dụng. Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời cập nhật văn bản QPPL mới vào Bộ pháp điển nhanh nhất, đảm bảo nội dung Bộ pháp điển luôn chính xác, đầy đủ, độ tin cậy cao; nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trên Bộ pháp điển, để có thể sử dụng được trên điện thoại thông minh và cung cấp các tính năng tìm kiếm, tra cứu theo văn bản, từ khóa một cách dễ dàng, thuận tiện. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ mới của đơn vị là quản lý nội dung Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng.
LS