• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo với khát vọng phát triển

(Chinhphu.vn) - Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

08/01/2021 12:15
Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngày 28/12/2020. - Ảnh: VGP

Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trong đó,  “đổi mới, sáng tạo”, “khát vọng phát triển” là những điểm nhấn khác biệt so với phương châm hành động của Chính phủ các năm trước và là tinh thần xuyên suốt Nghị quyết 01, 02 – kim chỉ nam cho hành động của Chính phủ trong năm mở đầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bài 1: Ưu tiên hàng đầu cho đổi mới mô hình tăng trưởng

Năm 2021, Chính phủ cho rằng, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và ngay ngày hôm sau, Thủ tướng tiếp tục dự lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – dự án thành phần 3.

Ngày mai 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức lễ khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đứng thứ 4 trong số 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết là “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. 

Nghị quyết đề ra tới 27 nhóm nhiệm vụ cho vấn đề này. 

Ngay từ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết 27 với quyết tâm cao và hành động cụ thể, từ đó làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, truyền cảm hứng và tạo lòng tin cho thị trường.

Tính đến cuối năm 2020, hầu hết các nhiệm vụ trong Nghị quyết 27 đã được triển khai thực hiện. Có 120 nhiệm vụ triển khai thực hiện, 42 nhiệm vụ đã triển khai và cho kết quả rõ ràng (chiếm 35%); 74 nhiệm vụ đã triển khai và cho kết quả bước đầu (chiếm 61,7%); 4 nhiệm vụ đã triển khai nhưng chậm so với kế hoạch (chiếm 3,3%).

Trong giai đoạn 2016-2020, khoảng 300 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành, trong đó đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật, nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, “tư duy, nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã  chuyển biến tích cực”. Ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế đã được đẩy mạnh và có những bước tiến thực chất. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được những kết quả tích cực…

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt kết quả tích cực với 16 trong số 23 mục tiêu lớn theo Nghị quyết 27 dự kiến hoàn thành, chiếm gần 70%. Có 52 trong số 70 các mục tiêu cụ thể dự kiến hoàn thành, đạt 74,3%.

Việc hoàn thành phần lớn các mục tiêu cùng với 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với kế hoạch (quy mô nợ công giảm mạnh, quy mô nợ chính phủ giảm mạnh, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm mạnh, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng; dư nợ thị trường trái phiếu so với GDP) đã góp phần tạo bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020. Mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào gia tăng năng suất lao động và đây là điểm nổi bật nhất của thay đổi cách thức hay chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020. Năng suất lao động giai đoạn 2011 - 2015 tăng 19,6%, giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 26,2%.

Đến hết năm 2020, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực.

Không phụ thuộc nhiều vào thành phần nào

Phân tích thêm về những kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng kinh tế đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào. Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Trong ngoại thương, nhờ nhiều hiệp định FTA, Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả ấn tượng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra; chi ngân sách chặt chẽ hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

THÔNG ĐIỆP CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NĂM 2021

Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt hơn 41 tỷ USD. Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.

Bên cạnh kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trở thành mũi nhọn tại một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan trọng. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hay thương hiệu Việt Nam, Made in Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế.

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp . Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu . Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa được cải thiện đáng kể. Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém chưa theo kịp yêu cầu. Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế…

(còn tiếp)

Hà Chính