Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng phát biểu tại đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 19/12/2017, trước nhiều vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam được nêu ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tổ chức Đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam.
Để chuẩn bị cho buổi đối thoại, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Văn phòng Chính phủ đã gửi 29 câu hỏi tập hợp từ các chuyên gia, người hâm mộ đến Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, thông qua báo Bóng đá, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng nhận được một số câu hỏi, đề nghị, góp ý liên quan tới phát triển bóng đá, bóng đá trẻ, tổ chức giải bóng đá quốc gia…
Bộ, Tổng cục, VFF, VPF cam kết bóng đá sẽ sạch hơn
Tại buổi đối thoại, một vấn đề nóng được đặt ra là lý do chính các giải phong trào hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả là ít tiêu cực hơn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua tổng hợp ý kiến nhân dân và người hâm mộ cho rằng giải vô địch quốc gia hiện nay chưa hấp dẫn khán giả với nhiều lý do từ cơ sở hạ tầng và một lý do quan trọng là còn tiêu cực, còn “chưa sạch”, không đẹp, còn bạo lực, không khách quan, không trung thực.
“Các đồng chí có đồng ý không? Nếu đồng ý thì có quyết tâm làm nó sạch không, có ưu tiên hơn các mục tiêu khác không? Nhân dân rất chờ đợi và muốn có câu trả lời thẳng thắn. Tôi đề nghị ai là người có trách nhiệm cao nhất ở đây thì trả lời câu hỏi này?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải cho biết, Bộ nhận định đúng như vậy và đánh giá bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua làm mất niềm tin là đúng. Về hướng xử lý, Bộ sẽ kiên quyết chỉ đạo Tổng cục TDTT đề ra các giải pháp kiên quyết xử lý vấn đề này và làm tốt nhất các giải pháp đưa ra.
Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cũng thống nhất cho rằng một trong những nguyên nhân chính là bóng đá còn những trận chưa sạch và Tổng cục sẽ kiên quyết chấn chỉnh lại.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: Một trong những nguyên chính mà cổ động viên còn ít đến sân vì bóng đá chưa sạch, còn tiêu cực, còn những hành vi chưa đẹp là đúng. Đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết xử lý vấn đề vì đây là nền tảng cho sự phát triển bóng đá nước nhà.
Trong thời gian tới, LĐBĐVN sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để khán giả đến sân nhiều hơn như hạn chế hình ảnh phản cảm, xấu xí trong bóng đá; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy lùi tiêu cực; cùng các câu lạc bộ đồng thuận xây dựng bóng đá sạch vì lợi ích của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng như gia tăng giá trị cho giải đấu cho câu lạc bộ; nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bãi…
Còn Trưởng ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc khẳng định VPF sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo để điều hành và kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, tiêu cực, nhường điềm, cho điểm trong những mùa giải tới đây.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết các mục tiêu trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam là phù hợp, cần phấn đấu và không cần thiết điều chỉnh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không cần thiết điều chỉnh mục tiêu phát triển bóng đá
Về Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng VHTT&DL cho ý kiến trước những đánh giá của một số chuyên gia và người hâm mộ cho rằng “5 năm thực hiện kết quả còn mờ nhạt” và liệu các mục tiêu của Chiến lược có quá cao không, có cần điều chỉnh không.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định 6 mục tiêu được đề ra trong Chiến lược đều rất quan trọng, định hướng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam xuyên suốt đến năm 2030. Bộ trưởng đánh giá “các mục tiêu này là phù hợp, là những mục tiêu cần phấn đấu, không cần thiết điều chỉnh”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành VHTT&DL cũng thừa nhận, trong 5 năm thực hiện, kết quả chưa được như mong muốn. Theo ông Thiện, các mục tiêu này đều cần phải tiến hành cả bởi làm từng bước tới năm 2030, nhưng mục tiêu hàng đầu hiện nay là xây dựng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở nước ta.
Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cũng trong cuộc đối thoại chiều nay, nhiều vấn đề khác của bóng đá Việt Nam như vấn đề trọng tài, kỷ luật, phát triển bóng đá phong trào, bóng đá trẻ, tổ chức giải cấp quốc gia… đã được nhiều chuyên gia, người hâm mộ cũng như các phóng viên đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, đại diện của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF, VPF cũng đã trả lời những vấn đề cụ thể về tổ chức đại hội VFF cũng như vấn đề nhân sự lãnh đạo tổ chức này, thất bại của đội tuyển Việt Nam tại các kỳ SEA Games, vai trò của Hội đồng Huấn luyện viên, Giám đốc kỹ thuật…
Kết luận buổi đối thoại, Phó Thủ tướng đề nghị đối với những vấn đề chưa được bàn thảo kỹ thì Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT và VFF phải tập hợp thành từng nhóm vấn đề, trả lời cụ thể, cái gì đúng thì tiếp thu, cái gì chưa đúng thì trao đổi lại. Sau đó, những vấn đề này phải được xem như một cam kết công khai để đưa ra trong chương trình nghị sự tới đây của VFF.
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua, việc đội tuyển Việt Nam được FIFA xếp tăng 13 bậc, vươn lên hạng 112 thế giới tuy là tăng hạng, nhưng chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng, quan tâm của người dân. Trong khi đó, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, người dân đam mê bóng đá nên có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển môn thể thao này, đạt được những thành tích tốt hơn nữa.
Phó Thủ tướng kết thúc buổi đối thoại kéo dài 5 tiếng đồng hồ bằng lời chúc bóng đá Việt Nam thời gian tới sẽ có bước tiến bộ, đem lại lòng tin cho nhân dân, cho người hâm mộ.
Tuấn Minh