Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có CSĐH thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.
Về phát hiện khoa học giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có CSĐH thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo. IRRI cho biết, phân loại mức CSĐH dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa cực thấp được phát hiện mới nhất có CSĐH 44.
Bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số CSĐH dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.
Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt CSĐH trung bình và CSĐH cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, CSĐH thấp.
"Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa CSĐH thấp và cực thấp", Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.
Các dòng lúa CSĐH cực thấp giải phóng glucose với tốc độ cực kỳ chậm. Trong khi đó, các giống lúa thông thường có lượng đường tăng đáng kể trong cùng 1 khoảng thời gian cơ thể tiêu hóa.
Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, Trưởng bộ phận Người tiêu dùng của IRRI cho biết: "Phát hiện mới nhất của IRRI mở ra cơ hội phát triển các giống lúa có CSĐH cực thấp, đáp ứng nhu cầu sức khỏe và sở thích ăn uống của người tiêu dùng".
Bộ NN&PTNT cho biết, từ ngày 16-19/10/2023, Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023 tại Manila, Philippines sẽ cùng đàm thảo về các giải pháp chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm dựa trên lúa gạo.
Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Đây là diễn đàn toàn cầu cho các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng gặp gỡ, thảo luận về những thách thức, cơ hội của ngành lúa gạo nhằm đảm bảo hệ thống lương thực toàn cầu.
Mạng lưới 1.500 người tham gia, gồm các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nông dân sẽ cùng hợp tác để chia sẻ, trao đổi về các ý tưởng mới, khám phá các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho toàn bộ ngành lúa gạo.
Ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo. Hiện nay, thiên tai, hạn hán làm giảm đáng kể lượng gạo dự trữ, khiến nhiều quốc gia phải công bố hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu gạo.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội: "Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị xã hội ở nhiều quốc gia. Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Một tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác".
Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhiệm vụ của IRC là khẩn trương chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường.
Tại IRC 2023, các chuyên gia lúa gạo sẽ trình bày, thảo luận về phương pháp tiếp cận di truyền, nhân giống lúa; nghiên cứu hệ vi sinh vật, sức khỏe đất; canh tác kỹ thuật số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công cụ viễn thám, drone (máy phun thuốc không người lái)...
Đặc biệt, chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ dừng lại ở áp dụng khoa học công nghệ. Ngành lúa gạo các quốc gia cần thảo luận, đàm phán, gỡ rối chính sách công, qua đó giải quyết một số vướng mắc về dao động giá, thương mại tự do, phân khúc thị trường chênh lệch… Do đó, IRC 2023 đóng vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo ngành nông nghiệp trên thế giới. Hợp tác công - tư sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức lớn nhất mà ngành sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt.
Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023 đã diễn ra phiên thảo luận cấp cao với chủ đề "Xu hướng, chính sách, cơ hội cho ngành lúa gạo toàn cầu". Trong đó, Campuchia, Tanzania và Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu gạo, đều đặt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế.
Đại diện FAO, bà Shirley nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi chính sách đa quốc gia, đặc biệt khi hội đàm diễn ra vào Ngày Lương thực Thế giới. Trong thời điểm giá gạo xuất khẩu thất thường, không đồng đều trên thị trường quốc tế, bà cho rằng các nhà quản lý cần đối thoại cởi mở về định hướng toàn ngành.
Đại diện Tanzania cho biết, quốc gia này hiện đứng thứ hai sau Madagascar về sản xuất lúa gạo ở Nam Phi. Nhằm mở rộng diện tích đất trồng lúa, Tanzania đang triển khai chiến lược phát triển lúa gạo quốc gia, tập trung định hướng thị trường và đa dạng hóa giống cây trồng.
Bên cạnh mở rộng xuất khẩu gạo trong khu vực ngành nông nghiệp nước này cũng đang xây dựng hệ thống thủy lợi. Như các quốc gia châu Phi khác, Tanzania vốn "chờ mưa cho cây lớn". Nhận thấy hiệu quả của thủy lợi trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, Tanzania đang tích cực khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tưới tiêu.
Đối với Campuchia, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, quốc gia này hướng tới mạng lưới hợp tác xã - nhà máy xay xát - doanh nghiệp xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; sàng lọc, khai thác giống lúa mới, tập trung vào các giống ngắn ngày, không mùi thay cho các giống truyền thống.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chính sách Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng nói: "Việt Nam từng là nước có nền nông nghiệp lạc hậu, đứng sau các "ông lớn" Ấn Độ, Thái Lan. Ngày nay, chúng tôi tự hào về những thành tựu của ngành lúa gạo. Chúng tôi đã giảm 30% hóa chất, 30% phân bón, 30% giá cả đầu vào, nhưng đang đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ thế, thử nghiệm trên 200.000 ha lúa đã thành công giảm 10% phát thải khí metan, và Bộ NN&PTNT Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa phát thải thấp".
Đỗ Hương