Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Ngày 12/9, Lễ ra mắt Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021-2026 và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XII Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự Lễ ra mắt.
Ngày 6/8/2021 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 26-QĐ/TW về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Thành viên Hội đồng nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thương yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp trí tuệ và tâm huyết của các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021; thân tình gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và yêu cầu cụ thể mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là: "Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.
Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất Hội đồng lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2021 - 2026. |
Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận nền tảng, cốt lõi trong đường lối chiến lược của Đảng, sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những vấn đề quan trọng và mới được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Hội đồng Lý luận Trung ương chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan nghiên cứu, tập hợp đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học và giới lý luận cả nước, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm, những đặc trưng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới gồm 50 đồng chí, do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng. |
Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy vai trò là đầu mối quy tụ, phối hợp của các cơ quan, đội ngũ nghiên cứu lý luận cả nước, tăng cường kết nối với các cơ quan Trung ương và địa phương, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt và triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 (Chương trình KX.04/21-25); thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch để kịp thời tư vấn, tham mưu, phục vụ công tác hoạch định chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lý luận chính trị, duy trì và không ngừng củng cố mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và một số đảng chính trị trên thế giới.
Phát biểu tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện thật tốt những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước, chuyên đề nghiên cứu về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, để hoàn thành trọng trách được giao, dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Hội đồng và dự thảo Quy chế làm việc, các Kế hoạch công tác toàn khóa của các tiểu ban Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được cụ thể hóa, hoàn thiện trên tinh thần bám sát quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 17/ 4/ 2021 và phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng.
Tại Kỳ họp thứ nhất, các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trong toàn khóa, đặc biệt là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình KX.04/21-25, tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị một bước cho quá trình bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội./.