Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hệ thống xử lý nước của Nhà máy nước mặt sông Đà |
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 4 nhà máy cung cấp nước với tổng công suất phát ra mạng lưới là 709.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho 70-85% dân số đô thị với tiêu chuẩn 80-150 lít/người/ngày. Các khu vực thị tứ và các khu vực dân cư khác tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khoảng 40-60% với tiêu chuẩn 50-70 lít/người/ngày. Còn lại tại các khu vực nông thôn phần lớn vẫn sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào và nước mưa.
Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu sử dụng nước của toàn Thành phố từ 1,2 – 1,5 triệu m3/ngày; đến năm 2030 là từ 1,9 – 2,3 triệu m3/ngày và đến năm 2050 là từ 2,6 - 3,1 triệu m3/ngày. Mục tiêu của Quy hoạch là đảm bảo đến 2030, tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực đô thị là từ 160 – 190 lít/người/ngày, khu vực phát triển các đô thị vệ tinh là 150 – 180 lít/người/ngày, khu vực thị trấn, vùng ven đô thị đạt 100 – 120 lít/người/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước cung cấp cho Hà Nội chủ yếu vẫn là nguồn nước ngầm với tổng số giếng đang khai thác, sử dụng là 251 giếng, thuộc 17 nhà máy chính và 10 trạm sản xuất nước. Nguồn nước từ nhà máy nước (NMN) mặt sông Đà với công suất 300.000 m3/ngày đêm chưa sử dụng hết, mới chỉ cung cấp cho khu vực Tây Nam TP. Trong khi đó, nguồn nước ngầm đang được đánh giá là nhiễm hàm lượng amoni và bẩn hữu cơ cao. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của Thành phố, Quy hoạch đề xuất 2 phương án nhằm đẩy mạnh khai thác, sử dụng nước mặt và hạn chế, tiến tới ngừng sử dụng nguồn nước ngầm.
Theo phương án 1, từ nay đến 2015, TP sẽ xây mới 2 NMN, đó là NMN mặt sông Hồng, với công suất 150.000 m3/ngày đêm, nâng lên 300.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và 450.000 m3/ngày đêm vào năm 2030; xây mới NMN mặt sông Đuống với công suất 150.000 m3/ngày đêm, nâng lên 300.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và 600.000 m3/ngày đêm vào năm 2030; mở rộng công suất NMN mặt sông Đà từ 300.000 m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2030, kết hợp với khai thác hợp lý công suất các NMN ngầm, từng bước hạn chế và ngừng hoạt động một số NMN ngầm kém hiệu quả.
Đó là các NMN ngầm hiện tại như NMN Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai có chất lượng nước thô xấu, công nghệ xử lý chưa hợp lý… sẽ giảm dần công suất và tiến tới ngừng hoạt động vào năm 2030; đóng cửa 8 trạm cấp nước nhỏ trong khu vực đô thị vào năm 2020. Các NMN ngầm còn lại như Yên Phụ, Lương Yên, Mai Dịch, Cáo Đỉnh, Nam Dư, Gia Lâm… sẽ duy trì công suất, chất lượng và lưu lượng nước.
Theo phương án 2, TP Hà Nội chỉ xây mới NMN mặt sông Hồng, công suất 600.000 m3/ngày đêm vào năm 2020 và nâng lên 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2030; mở rộng công suất NMN mặt sông Đà lên 1,2 triệu m3/ngày đêm vào năm 2030, cùng với đó là kết hợp với khai thác hợp lý công suất các NMN ngầm, từng bước hạn chế và ngừng hoạt động một số NMN ngầm kém hiệu quả như phương án 1.
Quy hoạch đề xuất trước mắt từ nay đến 2015, TP nên ưu tiên đầu tư mở rộng công suất các NMN và phát triển mạng lưới đường ống cấp nước đồng bộ, để cấp nước cho các khu vực hiện nay là nông thôn đang quy hoạch lên đô thị, bổ sung nước cho các đô thị vệ tinh, thị xã Sơn Tây và các quận nội thành; ưu tiên cấp nước cho các khu công nghiệp tập trung và các nhà máy, xí nghiệp phải di dời ra ngoại thành và ưu tiên cấp nước cho các đô thị, huyện lỵ chưa có hệ thống cấp nước hoặc hệ thống cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham góp của các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã trực tiếp góp ý, chỉnh sửa cho bản dự thảo Quy hoạch. Phó Chủ tịch yêu cầu đơn vị tư vấn giới hạn phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, đó là vùng đô thị và phụ cận, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn đưa ra lộ trình, các giải pháp cụ thể để tiến tới giảm dần sử dụng nước ngầm, tăng sử dụng nước mặt trong sinh hoạt. Phó Chủ tịch gợi ý đối với NMN Hạ Đình, nên tiến hành ngừng hoạt động sớm, giữ nguyên hệ thống truyền dẫn và bể chứa của nhà máy này để đấu nối vào hệ thống từ NMN mặt sông Đà. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu đơn vị lập quy hoạch khẩn trương hoàn thiện theo các ý kiến đóng góp, trình UBND TP giữa tháng 8/2011.
Đăng Quang