Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy cho biết, trong năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động. Theo đó, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.
Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau, trong đó đã tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp Tổ công tác thực hiện rà soát, cho ý kiến độc lập.
Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL. Về cơ bản, các bộ, ngành đã tập trung, nghiêm túc thực hiện việc rà soát và xử lý kết quả văn bản.
Hoạt động rà soát, cho ý kiến độc lập đối với kết quả rà soát văn bản QPPL đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi rà soát đã xác định. Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc để đáp ứng triển khai các mục tiêu cụ thể (như triển khai Đề án 06).
Kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện đã được kết nối, sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Tính đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện và hoàn thành việc xử lý, tham mưu xử lý đối với 209 văn bản; đang nghiên cứu, xử lý, tham mưu xử lý đối với 203 văn bản trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022.
Tại cuộc họp, Tổ công tác cũng đề xuất, kiến nghị về định hướng hoạt động hoạt động năm 2024 với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập về phương án xử lý đối với việc thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của từng bộ, ngành.
Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý đối với vướng mắc cụ thể về pháp lý mà các cơ quan quản lý còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc ý kiến khác nhau về phương án xử lý kết quả rà soát văn bản.
Tổ chức làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật bằng các hình thức phù hợp; trong đó sẽ tập trung rà soát, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023 nhằm đẩy mạnh việc xử lý kết quả rà soát văn bản đã được thực hiện trong các năm vừa qua và tăng cường gắn kết công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Tại cuộc họp, các thành viên tổ công tác đã cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của Tổ công tác; định hướng hoạt động, các nội dung của dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác; đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể năm 2024 của Tổ công tác và những vấn đề khác có liên quan mà các Bộ, ngành, các cơ quan đề xuất Tổ công tác.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những ý kiến góp ý, trao đổi của các thành viên Tổ công tác cho quá trình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác trong thời gian vừa qua và dự thảo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc, Bộ trưởng đề nghị Bộ phận thường trực Tổ công tác khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Báo cáo và dự thảo Kế hoạch của Tổ công tác, trình Tổ trưởng ký ban hành để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc, Bộ phận thường trực quan tâm, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
Bám sát kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác tham mưu triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ; trong đó tập trung xác định đúng trọng tâm nhiệm vụ, trách nhiệm của thành viên của Tổ công tác để tổ chức, phân công nhiệm vụ phù hợp, rõ ràng, khả thi, đúng chức năng, nhiệm vụ, với tinh thần hết sức khẩn trương, hiệu quả, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Thường xuyên cập nhật các yêu cầu, nhiệm vụ về rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ tại các văn bản liên quan. Đồng thời, hoạt động của Tổ Công tác về rà soát văn bản QPPL cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất với Tổ Công tác của Đề án 06 để bảo đảm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.
Các thành viên Tổ công tác cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động chỉ đạo, tập trung bố trí nguồn lực đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được phân công. Trong đó, cần huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là việc tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập về phương án xử lý đối với việc thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của từng bộ, ngành phục vụ triển khai Đề án 06 và tiếp tục rà soát, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm từ năm 2020 đến nay; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Tổ công tác, các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Lê Sơn