Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trong số gần 2.000 con gia súc bị chết thì Lào Cai có 354 con, Sơn La 367 con, Điện Biên 311 con, Cao Bằng 295 con, Yên Bái 248 con, Quảng Ninh 225 con, Hòa Bình 106 con…
Trong số các tỉnh nói trên thì Lào Cai bị thiệt hại nặng nề nhất, với tổng số tiền lên tới 32 tỉ đồng.
Theo Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, băng tuyết đã xuất hiện tại 58 xã, thị trấn thuộc 7/9 huyện, thành phố của tỉnh, đồng thời gây ra hậu quả nặng nề.
Băng tuyết cũng đã vùi lấp gần 900 ha rau màu, hoa, cây dược liệu; 3.600 ha thảo quả và 2.700 ha rừng mới; diện tích rừng bị tuyết che phủ là trên 151.842 ha.
Đợt rét này đã làm chết rất nhiều gia súc, nhưng đa số là trâu bò già, nghé non. Nếu rét kéo dài thêm, trâu bò khỏe cũng có nguy cơ chết rất cao.
Dự báo từ ngày hôm nay (27/1) trở đi, trời ngớt mưa, nhiệt độ tại các địa phương trong tỉnh sẽ đồng loạt tăng. Tuy nhiên, các khu vực vùng cao cần đặc biệt đề phòng xảy ra sương muối - một hiện tượng thời tiết xấu cực kỳ có hại cho con người, vật nuôi cũng như cây trồng. |
Còn tại tỉnh Sơn La, ngoài 367 con gia súc (trâu, bò, ngựa, dê) chết rét, cộng với hoa màu bị vùi lấp khiến con số thiệt hại lên trên 4 tỉ đồng, thì mưa tuyết và băng giá đóng dày trên dây điện cũng làm đứt nhiều đoạn đường dây điện 35 kV, khiến trên hơn 1.600 hộ dân tại các huyện Thuận Yên, Bắc Yên và Thuận Châu mất điện.
Đến chiều 25/1, ngành điện lực Sơn La bước đầu khắc phục sự cố ở một số vị trí để cung cấp điện trở lại cho hơn 300 hộ dân, nhưng trong ngày 26/1 trời mưa và lượng băng tuyết vẫn đóng dày khiến công tác thi công phải tạm dừng do không bảo đảm an toàn.
Tại Lạng Sơn, thống kê ban đầu cho thấy toàn tỉnh có gần 200 con trâu, bò, dê bị chết, trong đó huyện Chi Lăng thiệt hại nhiều nhất với trên 70 con; xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình có gần 20 con.
Sương muối, băng giá cũng làm hơn 4.000 ha rau màu vụ Đông Xuân ở Lạng Sơn bị ảnh hưởng, trong đó có những khu vực bị mất trắng như ở huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho hay ngoài 225 con trâu bò bị chết do rét, đến thời điểm này các khu vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã chịu ảnh hưởng của đợt rét, tuy chưa thiệt hại lớn, nhưng đã xuất hiện tình trạng cá nổi đầu tại các ao đầm trên địa bàn huyện Đông Triều, cá giò tại một số lồng bè nuôi của huyện Vân Đồn chết rải rác.
Biện pháp để hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là các hộ cần cấp nước bổ sung, tăng mực nước trong các ao, đầm nuôi và quây bạt khu vực nuôi để giữ ấm cho thủy sản.
Mưa tuyết và băng giá tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương vùng cao của tỉnh Yên Bái khiến cây trồng, vật nuôi của nông dân bị thiệt hại nặng nề. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 248 con gia súc bị chết, chủ yếu và trâu, nghé, bê; tập trung ở các huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ.
Dự báo, nếu rét hại tiếp tục kéo dài thì thiệt hại cho đàn gia súc sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Ngoài việc chủ động của bà con, các địa phương đang vào cuộc quyết liệt, nỗ lực giảm thiểu thiệt hại cho đàn gia súc và cây trồng.
Hiện nhiệt độ ngoài trời ở các địa phương chỉ trên dưới 5 độ C, các xã vùng cao vẫn trong tình trạng băng giá, nhiều nơi vẫn từ 1 đến 3 độ, trời lại mưa nặng hạt nên người dân vùng cao đang rất khó khăn, vất vả trong phòng chống rét.
Đến 16h ngày 26/1 tại QL4D khu vực Thác Bạc tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ giáp địa phận Lai Châu, do mặt đường có nhiều băng tuyết không bảo đảm an toàn để di chuyển, các lực lượng chức năng vẫn điều phối giao thông để hạn chế xe qua lại.
Trên tuyến QL32 từ Ngã ba Kim đi lên đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tuyết bao phủ 5 cm gây ảnh hưởng giao thông. Ngoài ra, tuyến đường điện đi bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) bị cây đổ đè lên làm hư hỏng. Tại cửa khẩu Tân Thanh, do ảnh hưởng của mưa lạnh ở cả Lạng Sơn và bão tuyết bên phía Trung Quốc, nên đã có hơn 400 xe trọng tải lớn chở nông sản xuất khẩu chưa thông quan xuất hàng được sang chợ Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc). Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo việc tháo gỡ ách tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu, yêu cầu các đơn vị đang làm nhiệm vụ ở biên giới tăng thêm giờ làm việc, giảm các thủ tục, tạo điều kiện cho hàng thông quan sớm; lãnh đạo chính quyền, ngành chức năng trao đổi với ngành hữu trách Trung Quốc cùng tháo gỡ những khó khăn. |
Anh Kiên (tổng hợp)