Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết nhằm xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; Pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, (tỉnh Hải Dương) cho biết, về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu nhất trí cao với quy định về tiêu chuẩn đạo đức của người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã nêu tại mục a khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, dự thảo luật có quy định rằng cần có bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông do cơ quan có thẩm quyền cấp. Những nơi không có đủ tiêu chuẩn Trung học phổ thông thì có thể xét chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở để tham gia lực lượng này.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát thêm và có những quy định riêng về tiêu chuẩn trình độ học vấn đối với đối tượng xin tuyển chọn vào tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cho phù hợp hơn đối với mỗi vùng miền, nhất là vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn. Tương tự, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng rà soát để có những quy định tương ứng.
Quan tâm đến việc bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu Tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, đại biểu Đỗ Thị Lan, (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, điểm c khoản 1 Điều 13 của dự thảo luật quy định, căn cứ số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập và tổng số lượng các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định về số lượng người tối thiểu để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng tối đa Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Tham gia ý kiến về việc bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho biết, điều 16 đến điều 21 do dự thảo luật quy định rất nhiều chính sách và điều kiện hoạt động cho lực lượng này, rà soát đánh giá đảm bảo sự hài hòa với các lực lượng quần chúng khác ở cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện các quy định như trong dự thảo luật, cần có nguồn lực ngân sách tương đối lớn, do vậy cần thiết kế cơ chế tài chính cụ thể hơn để đảm bảo được tính khả thi khi luật có hiệu lực.
Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hiện nay, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được hưởng chế độ trợ cấp từ ngân sách do HĐND cấp tỉnh quy định theo vị trí mà họ đảm nhận. Nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng, tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở là vấn đề cốt lõi, căn nguyên cho việc ổn định xã hội để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân, tiến tới đảm bảo toàn diện vấn đề an ninh con người.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu đầu tư thỏa đáng cho vấn đề quan trọng này, vì mục đích bảo vệ an ninh, trật tự, việc đầu tư bố trí ngân sách cho công việc này là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể về việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cho lực lượng công an xã chính quy, Ban chỉ huy quân sự xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từng bước bố trí trụ sở làm việc, đảm bảo cơ sở vật chất khác để lực lượng này hoạt động hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cùng quan điểm này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn về tổ chức ngân sách khi thành lập lực lượng này, đồng thời cần tổng kết, đánh giá thực tế về tình hình an ninh trật tự hiện nay; vấn đề thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an xã; việc phát huy nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; các hoạt động tự nguyện tự quản ở cơ sở hiện nay đạt được kết quả hiệu quả như thế nào, kể từ đó có quy định phù hợp về số lượng, chính sách, chức năng, nhiệm vụ, của lực lượng này, để khi luật được Quốc hội thông qua thì các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện và phát huy được hiệu quả của lực lượng này sau khi thành lập.
Đại biểu cũng cho rằng, cần xác định rõ đây là lực lượng hỗ trợ cho công an xã, để từ đó quy định rõ ràng, phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, tài chính, ngân sách cho lực lượng này. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu và có quy định phù hợp về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và đánh giá tác động của các chính sách này.
Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự án Luật này.
LS