Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều cơ hội và triển vọng để phát triển thị trường bán lẻ hiện đại cho hoạt động kinh doanh của các tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam. |
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tính đến hết năm 2013, cả nước đang có 8.546 chợ các loại và khoảng gần 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của những hộ gia đình có nhà mặt phố. Trong khi đó, số cơ sở bán lẻ hiện đại của Việt Nam tính đến 1/7/2014 chỉ mới có 724 siêu thị 132 trung tâm thương mại và hơn 400 cửa hàng tiện ích.
Hiện nay, thị trường nông thôn với gần 70% dân số hầu như đang còn bỏ ngỏ và cũng mới chỉ tồn tại hình thức bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, với quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 là cả nước sẽ phát triển lên từ 1.200-1.300 siêu thị (cần thêm 550 siêu thị mới so với hiện tại), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm (cần phát triển thêm gần 200 trung tâm so với hiện tại). Những con số này cho thấy thị trường bán lẻ nông thôn nói riêng và thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung sẽ là mảnh đất “màu mỡ” để các nhà sản xuất, kinh doanh và các nhà bán lẻ xâm nhập.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, với mục tiêu xây dựng chuỗi phân phối phủ rộng khắp cả nước, Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược xâm nhập vào những thị trường nói trên bằng các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết để dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Coopmart đã phát triển được 71 siêu thị với 29 siêu thị tại TPHCM và mở rộng ra các tỉnh trong toàn quốc là 42 siêu thị. Với chiến lược đưa siêu thị, hình thức mua sắm hiện đại tới mọi vùng miền trong cả nước, trong năm 2014 và 2015, Coopmart sẽ tiếp tục mở rộng ra các tỉnh xa như Quảng Ninh, Đắk Nông, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Tập đoàn Tư vấn A.T Kearney đánh giá dù Việt Nam không nằm trong Top 30 về phát triển thương mại bán lẻ nhưng từ năm 2013, mức độ hấp dẫn của thương mại hiện đại tại Việt Nam đứng tốp đầu, trên cả Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Việt Nam đang là một thị trường nhiều tiềm năng. Điều này mở ra nhiều cơ hội và triển vọng để phát triển thị trường bán lẻ hiện đại cho hoạt động kinh doanh của các tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam.
Cuộc đua của các DN nội, ngoại
Thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và tiếp tục được đa dạng hóa qua một số mô hình trung tâm mua sắm hiện đại với quy mô lớn, phát triển theo chuỗi. Đặc biệt, hiện đang có nhiều cuộc “tranh đua” chiếm lĩnh thị trường của các thương hiệu bán lẻ Việt và nước ngoài.
Theo bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM, hiện nay nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại trong nước đã phát triển và khẳng định được vị thế trên thị trường tiêu dùng như: Coopmart đã phát triển được 71 siêu thị trong toàn quốc và hàng trăm cửa hàng tiện ích; hệ thống Marximark đã có 5 siêu thị; hệ thống Ocean Mart của Tập đoàn Đại dương với 8 siêu thị và đại siêu thị; Eximart của Công ty cổ phần Xây dựng và XNK tổng hợp (Conexim) với 2 siêu thị...
Đặc biệt, riêng lĩnh vực điện máy, DN trong nước gần như đã chiếm lĩnh thị trường hoàn toàn với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng và ngày càng gia tăng về số lượng siêu thị cũng như chất lượng phục vụ (hệ thống Nguyễn Kim có 22 cơ sở; Pico với 6 cơ sở, Trần Anh với 11 cơ sở…). Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến hết 30/6/2014 đã có thêm 40 cơ sở phân phối điện máy hiện đại được thành lập trên cả nước.
Bà Thu cho biết, các thương hiệu bán lẻ Việt Nam đang tiếp tục củng cố và mở rộng thêm cơ sở kinh doanh, trong đó tập trung đầu tư và nghiên cứu phát triển sang các mô hình bán lẻ mới như: Xây dựng mô hình đại siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn, mở rộng các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini tại các tỉnh xa, vùng xa.
Không thua kém các thương hiệu nội, hàng loạt các tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của thế giới đã và đang tìm đến khai thác thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam ngày càng nhiều.
Người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm khi thị trường bán lẻ Việt Nam đã ghi nhận sự gia nhập của các thương hiệu bán lẻ lớn của thế giới như: Metro (Đức) đã có 19 trung tâm bán sỉ; Big C (Pháp) với 28 siêu thị; Lotte, Lock&Lock (Hàn Quốc) đã có 7 trung tâm trên cả nước.
Đặc biệt, mới đây Tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Aeon (Nhật Bản) đã khai trương siêu thị Aeon Mall Tân Phú TPHCM với diện tích 50.000 m2 là siêu thị lớn nhất TPHCM vào giữa tháng 1/2014. Dự kiến từ nay tới 2015 Aeon sẽ mở rộng thêm siêu thị tại TPHCM và Hà Nội.
![]() |
Các doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược để dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân ở các vùng sâu, vùng xa. |
Xu hướng bán lẻ trực tuyến
Ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng, tiềm năng và cơ hội mà kỷ nguyên số và công nghệ thông tin đem lại cho nền kinh tế và cho ngành bán lẻ hết sức to lớn. Bằng chứng là xu hướng bán lẻ trực tuyến và bán lẻ không qua cửa hàng là một mô hình mới đã và đang phát triển tại Việt Nam.
Cách đây 2 năm Saigon Co.op đã cho ra đời kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op với sức mua trung bình tăng khoảng 40%/năm. Qua kênh truyền hình HTVCo.op và website www.co.ophomeshopping, Saigon Co.op đã triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu để thu hút người mua tham gia hình thức bán lẻ TMĐT, đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống phân phối tới các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương…
Tháng 4/2014, Big C cũng đã triển khai trang TMĐT bán hàng trực tuyến www.cdiscount.vn. Trang này cung cấp 7.000 sản phẩm ở các ngành hành khác nhau, với mức chiết khấu hấp dẫn, phương thức thanh toán thuận tiện cùng với công nghệ tiên tiến đảm bảo tốc độ truy cập nhanh, ổn định cũng như chế độ bảo mật cao. Đồng thời, do thừa hưởng mạng lưới hậu cần hiệu quả, phát triển rộng khắp trên toàn quốc của Big C nên Cdiscount sẽ nhanh chóng đưa sản phẩm tới tận tay tất cả khách hàng trên cả nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm 36%, trong đó tỷ lệ người sử dụng, truy cập Internet tham gia mua sắm đạt 57% sẽ là cơ hội tuyệt vời để các nhà kinh doanh TMĐT gia nhập vào “sân chơi” bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo MasterCard (nhà cung cấp thẻ thanh toán quốc tế), năm 2014 đang là năm bùng nổ của ngành TMĐT và dự kiến có thể đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2015. Dự báo đến năm 2017, thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam có thể đạt doanh số 8 tỷ USD.
Thanh Thủy