Trao đổi nhanh với phóng viên tại hiện trường, bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ngay từ tối 3/4, các bác sỹ thú y, chuyên gia thủy sản sẽ trực 24/24 giờ tại khu vực chân tháp để khẩn trương thực hiện việc chẩn đoán và chữa trị các vết thương cho Rùa Hồ Gươm.
Theo Ban chỉ đạo Khẩn cấp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm, việc chữa trị cho Rùa Hoàn Kiếm được tiến hành lần lượt theo các bước: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa Rùa lên chữa trị; đưa Rùa về bể chữa trị; lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán tìm tác nhân gây bệnh hợp với phân loại hình thái, xác định giới tính và thu mẫu ADN để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu; xử lý vết thương cho Rùa. Các bác sỹ thú y và chuyên gia thủy sản sẽ phân tích tác nhân gây bệnh, xây dựng phác đồ điều trị; quyết định chủng loại thuốc, liều lượng thuốc và lên phác đồ điều trị. Sau khi điều trị, Rùa sẽ được đưa ra bể nuôi dưỡng một thời gian để tiếp tục theo dõi và về lại hồ Hoàn Kiếm sau khi đã làm sạch môi trường nước của hồ.
Thanh Trà