Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo nhận định của Bộ Y tế, thời gian gần đây ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cục bộ, trong đó có TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Dự báo, thời gian tới, khi bước vào mùa Đông Xuân, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ các bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết, các bệnh về đường tiêu hóa luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.
Để phòng chống các bệnh lây nhiễm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ với một động tác rửa tay với xà phòng tại các thời điểm quan trọng trong ngày sẽ làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy, giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19-45% ở trẻ em và phòng ngừa rất hiệu quả bệnh tay chân miệng.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh cáo, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay-chân- miệng… Những năm gần đây đã xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hằng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán...
Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.
Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên đều có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng. Việc vệ sinh tay được ví như vaccine phòng bệnh đơn giản và dễ thực hiện. Tổ chức WHO cũng khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng cũng là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn.
5 thời điểm quan trọng trong ngày cần rửa tay với xà phòng: Sau khi đi vệ sinh; sau khi ra ngoài đường; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.
Hiền Minh