Trung tâm phát tán nguồn gen
Quần đảo Trường Sa bao gồm hàng trăm đảo nổi, đá, bãi nông, bãi ngầm với trên 130 nơi đã được đặt tên. Từ các rạn san hô, bãi cỏ biển, hang hốc trên các rạn đá là nơi lý tưởng cho nhiều loài sinh vật khu trú và đẻ trứng. Con non và ấu trùng sinh ra từ đây được phát tán đi khắp nơi tạo thành các bãi hải sản quan trọng của biển Đông.
Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện TN&MT biển, đến nay đã xác định được 2397 loài động, thực vật sinh sống ở vùng nước quanh 9 đảo. Trên thực tế, số lượng loài còn có thể lớn hơn nhiều khi được tiếp tục điều tra và nghiên cứu. Ba nhóm có số lượng loài cao nhất tại khu vực này là động vật đáy (739 loài), cá biển (524 loài), san hô (364 loài). Trong đó, đã xác định được 55 loài thủy sinh vật biển đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới sinh sống tại khu vực này như: Các loài rong biển có giá trị kinh tế cao là rong câu chân vịt, rong Đông, rong Hồng vân thỏi, rong Kỳ lân; một số loài ốc, mực đặc biệt hiếm, là nguồn gen quý của biển Đông và thế giới như ốc Sứ mắt trĩ, ốc Sứ tu đu, ốc Sứ cura, ốc Anh Vũ, mực Nang vân hổ; các loài trai tai tượng khổng lồ, trai ngọc và 4 loài thú biển đặc biệt quý hiếm như cá heo, cá heo trắng, cá heo mõm dài, cá Ông chuông....
Quần đảo trường Sa cũng được coi là vùng có hệ sinh thái rạn san hô lớn điển hình của thế giới. Bằng cách sử dụng thợ lặn lấy mẫu kết hợp sự trợ giúp của thiết bị lặn sâu, người ta đã xác định được các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa có hai kiểu rạn vòng atoll và rạn viền bờ. San hô phân bổ xung quanh tất cả các đảo, có vùng trải dài tới trên 20km như đảo Tốc Tan, Thuyền Chài. Tại đây, cũng tìm thấy 12 loài san hô quý như: San hô trúc, San hô lỗ đỉnh xù xì, San hô lỗ đỉnh Au - te, San hô lỗ đỉnh hoa... Lượng san hô phân bổ theo 3 lớp khá rõ ràng. Lớp sâu từ 0 - 3m là các loài dạng khối, phủ hoặc dạng cành ngắn, mập, bám chắc vào nền đáy, lớp thứ 2 từ độ sâu 4 - 15m có đầy đủ đại diện của các loài san hô trên thế giới và mật độ phủ cao nhất, lớp 15m trở xuống san hô phân bố thưa thớt dần. Độ che phủ của san hô lớn nhất trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Thuyền Chài và Sinh Tồn (độ phủ từ 51 - 75%), các đảo còn lại có độ che phủ trung bình 31 - 50%.
Khoanh vùng bảo tồn
Các kết quả nghiên cứu trong thời gian qua đã dần làm sáng tỏ mức độ đa dạng sinh học cao của khu vực quần đảo Trường Sa. Căn cứ vào mức độ đa dạng của rạn san hô, cỏ biển và các sinh vật đi kèm, hai khu vực cần sớm có quy hoạch bảo tồn là Nam Yết và Thuyền Chài. Theo đó, Khu bảo tồn Nam Yết có vùng lõi được các nhà khoa học xác định là khu vực đảo nổi và rạn san hô ra đến độ sâu 26m nước với ranh giới 430,2 ha và có 1 vùng đệm từ độ sâu 20m nước đến độ sâu 50m nước về phía Bắc và 267m về phía Nam, 70m về phía Đông và 50m về phía Tây, nơi thường thấy từng đàn cá heo xuất hiện.
Khu vực bảo tồn đảo Thuyền Chài gồm có vùng lõi được xác định là khu vực rạn san hô ra đến độ sâu 50m xung quanh đảo với ranh giới là 8952 ha. Đây là khu vực tập trung nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm bản địa sinh sống như bào ngư, rùa biển, bàn mai, trai tai tượng, môi trường trong sạch, hầu như chưa bị ô nhiễm. Vùng đệm từ độ sâu 50m nước đến độ sâu khoảng 1500m nước xung quanh đảo.
Năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Khu bảo tồn Nam Yết nằm trong hệ thống 16 Khu bảo tồn biển Việt Nam. Thời gian tới, rất cần đưa thêm đảo Thuyền Chài vào hệ thống các Khu bảo tồn biển bởi đây là một trong những khu vực có mật độ đa dạng sinh học cao, chứa nhiều loài quý hiếm. Song hành với việc lập quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên biển, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái biển và đặc điểm kinh tế xã hội của vùng. Đi cùng với nó là xây dựng hệ thống chính sách thiết lập và quản lý các khu bảo tồn thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Có như vậy, khi các Khu bảo tồn biển đi vào hoạt động, mới đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững nền kinh tế biển Việt Nam.
Kim Liên