Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Có mối liên hệ giữa phát triển thương mại điện tử và khoảng cách giàu nghèo nếu so sánh hoạt động này ở các địa phương. Sau 7 năm làm báo cáo chỉ số thương mại điện tử và gắn bó với doanh nghiệp từ to đến nhỏ, “chúng tôi thấy khoảng cách này hiện nay rất lớn, nếu không có hành động phù hợp thì nó ngày càng mở rộng”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nói.
Theo ông Hưng, thương mại điện tử vẫn tập trung quá nhiều vào Hà Nội và TPHCM, những đầu tàu kinh tế của cả nước. Hiện hai thành phố này chiếm khoảng 70% hoạt động thương mại điện tử, tỷ lệ này không đổi trong suốt những năm qua và có thể trong nhiều năm tới.
Thế giới phẳng vốn luôn là cơ hội cho mọi doanh nghiệp, mọi người dân và bản chất của thương mại điện tử là không biên giới, không có khoảng cách về thời gian, tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Nhưng quan điểm đó soi chiếu theo con số thống kê trên chưa hẳn đã đúng.
Dẫn chiếu tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cũng có thể thấy điều này. Năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử chủ chốt tăng trưởng không phải con số 25% mà là 200%, thậm chí 300% cũng có. Tăng trưởng ở tốc độ 50-70% là chuyện là bình thường.
Cứ như thế, thương mại điện tử sẽ làm cho khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Quy mô thương mại điện tử ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với 2 thành phố dẫn đầu.
Trong khi đó, khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng đây lại là khu vực có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.
Vậy làm sao thu hẹp khoảng cách này? Câu hỏi đó chính là động lực cho chương trình đầy tham vọng của Vecom với một kế hoạch hành động kéo dài 7 năm, từ nay đến năm 2025: Phát triển thương mại điện tử bền vững. Bền vững là ngoài phát triển nhanh, lợi ích và cơ hội của thương mại điện tử phải trải đều cho cộng đồng. Đấy cũng là việc phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt trong việc hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến. “Đây là mục tiêu rất lớn”, ông Hưng nói.
Đó là mục tiêu tới năm 2025, tỷ trọng thương mại điện tử của 61 tỉnh, thành còn lại đạt tới 50%, trong khi đó vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của 2 trung tâm kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức cao trên 25% hàng năm. Vấn đề là làm sao để 61 địa phương, bao gồm cả thành phố trực thuộc Trung ương, phải chuyển mình mạnh mẽ trong khi có thể vẫn phải chấp nhận một tiến trình thu hẹp khoảng cách từng bước.
Đối với Vecom, mục tiêu cụ thể nhất, trong vòng 2 năm tới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân ở 20 xã/làng vùng sâu, vùng xa tại năm tỉnh trong việc bán hàng trực tuyến trong nước và xuất khẩu hiệu quả. Hỗ trợ ít nhất 10 sản phẩm sử dụng nhiều lao động nông thôn, nguyên liệu địa phương ít người biết tới được đông đảo người tiêu dùng trong nước quan tâm.
Rất mừng là chương trình ở giai đoạn ý tưởng đã được doanh nghiệp quan tâm. Đó là một doanh nghiệp làm tre luồng thuộc dự án của Oxfam. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội cũng như các hội viên sẽ hỗ trợ doanh nghiệp này bán hàng thông qua thương mại điện tử.
Ông Hưng khẳng định, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đi tiên phong, nhưng nếu cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác cùng đồng hành, có chính sách, giải pháp đồng bộ, sẽ biến các cơ hội của thương mại điện tử trở thành hiện thực tại các địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Tuyên truyền lợi ích của mua sắm trực tuyến thôi chưa đủ, “yếu tố then chốt là tích cực triển khai các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình ở khu vực nông thôn bán hàng, cung ứng các dịch vụ trên môi trường trực tuyến”, ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.