• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sa Pa, xin đừng “say sưa” với đông khách

(Chinhphu.vn) - Thay vì biến Sa Pa thành một thành phố đông khách, đông dân, cần một tầm nhìn chuẩn để “thành phố trong sương” này giữ được bản sắc văn hóa và sự lãng mạn vốn có, trở thành một điểm đến đẳng cấp, hướng đến dài hạn, bền vững.

10/05/2016 12:57

Thị trấn Sa Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: VGP

Chọn lượng hay chọn chất?

Kể từ khi được đề nghị tập trung đầu tư, thành lập khu điều dưỡng trên “cao trạm Sa Pa” vào năm 1909, thị trấn miền núi với nhiệt độ trung bình 23-29 độ C này được mở mang xây dựng, trở thành một “kinh đô mùa hè” của du khách. Cùng với “nóc nhà Đông Dương” - đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m - Sa Pa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Hơn nữa, Sa Pa trực thuộc tỉnh Lào Cai, một địa phương năng động và có mức độ phát triển kinh tế cùng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện hơn so với các tỉnh trong khu vực.

Từ khi có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nếu đi bằng xe cá nhân, khách du lịch chỉ mất khoảng 4-5 giờ là tới được điểm du lịch hấp dẫn này. Tuyến cáp treo mới hoàn thành lên đỉnh Fansipan, nơi vốn trước đây chỉ dành cho những du khách có thể lực, ưa mạo hiểm, cũng đang tạo ra sức hút rất lớn. Một con đường mới từ Lào Cai lên Sa Pa đang được xây dựng sẽ giúp việc di chuyển càng thêm thuận tiện. Chưa kể, một sân bay tại huyện Bảo Yên, Lào Cai cũng đang được nghiên cứu để xây dựng, tạo thêm lựa chọn về phương thức đi lại. Cùng với đó, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp sắp hoàn thành sẽ đáp ứng được nhiều hơn nữa nhu cầu của khách du lịch.

Tại một hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch gần đây ở Lào Cai, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đơn vị khởi xướng thành lập Quỹ Quảng bá xúc tiến du lịch Lào Cai, cho biết đã chỉ đạo bộ phận nghiên cứu thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình du lịch tại địa phương. Theo đó, với những thuận lợi thiên nhiên cũng như cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, khách du lịch đến với Sa Pa sẽ ngày càng nhiều.

Lượng khách tăng cao đặt địa phương này trước sự lựa chọn đầy hấp dẫn là phát triển về lượng, tăng trưởng kinh tế nhanh hay tính toán kỹ lưỡng để phát triển đi vào chiều sâu và bền vững. Ông Hà cho rằng, tư duy phát triển du lịch vẫn chưa thật sự chú ý đến vấn đề hội nhập, phát triển xứng đáng là điểm đến mang tầm cỡ quốc gia, hấp dẫn khách du lịch quốc tế.

Mặt khác, hạ tầng du lịch tại Sa Pa cũng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của địa phương như cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 3-5 sao còn khiêm tốn, bãi đỗ xe, các dịch vụ khác còn hạn chế trong khi sản phẩm mang tính đặc thù địa phương cũng ít. Tại Sa Pa còn rất thiếu các điểm vui chơi giải trí, dịch vụ để giữ chân du khách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định, vẫn có sự mâu thuẫn tồn tại giữa phát triển kinh tế như thủy điện, đường giao thông và quan điểm phát triển du lịch bền vững.

Theo ông Tuấn, hạ tầng giao thông phát triển giúp du khách thuận lợi hơn khi du lịch nhưng ngày lưu trú lại có xu hướng giảm. Sa Pa vốn là điểm đến quen thuộc của khách quốc tế, nội địa có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, gần đây, thị trấn du lịch nổi tiếng này đang dần trở thành một điểm đến cuối tuần mang tính đại trà, với rất đông khách nhưng mức chi tiêu lại thấp.

Chính sự biến chuyển về chức năng của điểm đến làm ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách phát triển, đồng thời tạo ra áp lực về sức chứa và năng lực đón tiếp. Tính mùa vụ cũng hình thành khi vào các dịp lễ, cuối tuần, lượng khách tăng đột biến khiến các điểm đến tại Sa Pa trở nên quá tải.

Hơn nữa, dù phát triển lâu năm với nhiều mô hình hỗ trợ của quốc tế, tại Sa Pa, vẫn chưa có cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng cho cộng đồng (bao gồm đồng bào dân tộc) dẫn đến sự tham gia của người dân bản địa vào phát triển du lịch địa phương chỉ mang tính tự phát, tệ nạn chèo kéo khách trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn lá gọi tình yêu không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc mà còn là nét thu hút đặc biệt cho khách du lịch xa gần. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Nâng tầm đẳng cấp để phát triển dài lâu

Đưa ra khuyến nghị với địa phương, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, địa phương cần thay đổi tư duy không chỉ phát triển số lượng mà cần tập trung phát triển theo chiều sâu. Theo đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với nâng cao năng lực quản lý cho các điểm du lịch.

Hơn nữa, nên điều tiết hoạt động kinh doanh du lịch hài hòa giữa các thành phần doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tộc thiểu số, bảo đảm quan điểm phát triển bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa. Cơ chế phát triển du lịch cộng đồng cũng cần rõ ràng hơn bên cạnh việc ưu tiên phát triển thêm điểm đến, giảm tải cho các bản làng du lịch đã trở nên quen thuộc như Tả Van, Cát Cát, Tả Phìn…

Ông Tuấn cho rằng, cần phân luồng thị trường, phục vụ tốt nhưng không xúc tiến mạnh khách cuối tuần. Thay vào đó là phát triển các sản phẩm liên kết với địa phương lân cận, thúc đẩy thị trường khách liên tuyến. Đặc biệt, nên tập trung xúc tiến thị trường khách du lịch sinh thái, nhất là khách quốc tế. Sa Pa cũng cần có chính sách đồng bộ thu hút các nhà đầu tư theo các phân khu cao cấp hay bình dân một cách phù hợp.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, du lịch Lào Cai cũng như Sa Pa không nên “say sưa” với lượng khách tăng mạnh. Cần thay đổi tư duy theo hướng tính đến dài hạn, để nâng cao “đẳng cấp” của mình. Không thể để “thành phố trong sương” Sa Pa dần trở thành một thành phố đông dân, đông khách nhưng bản sắc văn hóa và sự lãng mạn bị suy giảm. Cần có một tầm nhìn chuẩn, từ đó mới có cơ sở quyết định thay đổi cấu trúc phát triển và có chính sách phù hợp.

“Nâng đẳng cấp du lịch lên phải là ý thức thường xuyên, sau đó mới đến các việc khác như xây dựng hạ tầng, tìm cách tăng thu nhập…, phải hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế, coi đây là động lực cải cách”, ông Thiên nhấn mạnh.

Trăn trở về vấn đề văn hóa, GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, cho rằng, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, ngoài yêu cầu về ăn, nghỉ, ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú còn có nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật dân gian, dân tộc đặc sắc.

GS. Hoàng Chương cho rằng, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn lá gọi tình yêu không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc mà còn là nét thu hút đặc biệt cho khách du lịch xa gần. Nhưng các nét văn hóa đặc sắc này vẫn đang dần mai một, hoặc tồn tại ở dạng quá thô mộc, đơn giản.

“Nghệ thuật dân gian như một cây hoa, cũng cần được chăm bón để thành bồn hoa đẹp, cần đầu tư trí tuệ, nâng tầm nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ cao, chinh phục được khách du lịch trong và ngoài nước”, GS. Hoàng Chương nói.

Huy Thắng