• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sách Trắng 2023: DN châu Âu muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triển kinh tế bền vững

(Chinhphu.vn) - Ngày 16/2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ kết hợp Lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023 với chủ đề "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA".

16/02/2023 15:25
Sách trắng 2023: DN châu Âu muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triển kinh tế  bền vững - Ảnh 1.

Đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ kết hợp Lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023, với chủ đề "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA" - Ảnh: VGP/HT

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết: VCCI sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất với Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam tương thích với các cam kết của EVFTA và triển khai thực hiện thỏa thuận này thành công và hiệu quả hơn. Nội dung Sách Trắng có trọng tâm là phát triển bền vững không chỉ đến từ việc giảm tác động của hoạt động kinh tế đối với môi trường mà còn giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới, xây dựng một tương lai bền vững hơn cho cả châu Âu và Việt Nam. Phát triển kinh tế xanh và bền vững là nền tảng của một tương lai tươi sáng hơn, trong đó, Sách Trắng cung cấp một khuôn khổ có giá trị để đạt được mục tiêu đó.

Theo lãnh đạo EuroCham: Sách Trắng là ấn phẩm thường niên của EuroCham, đóng vai trò như một hướng dẫn toàn diện về bối cảnh pháp lý mà các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang đối mặt. Cuốn sách cung cấp chi tiết thông tin về những thách thức đang cản trở tăng trưởng kinh tế và làm rõ các vấn đề liên quan tới những lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, việc làm và phát triển. Đặc điểm nổi bật của Sách Trắng là tổng hợp các đóng góp từ 18 tiểu ban ngành nghề của EuroCham.

Trao đổi tại buổi đối thoại, Chủ tịch EuroCham Alain Cany đánh giá: Tiến bộ kinh tế ấn tượng của Việt Nam là minh chứng cho tiềm năng của đất nước này với tư cách là một quốc gia hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định và tăng trưởng dài hạn, chúng ta buộc phải ưu tiên phát triển bền vững.

"Trong giai đoạn chuyển đổi sang một tương lai xanh và bền vững, tôi rất kỳ vọng vào mối quan hệ giữa nhóm châu Âu và Việt Nam. Cùng với nhau, mối quan hệ hữu ích này cho phép chúng ta tận dụng những triển vọng vô tận phía trước. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, EuroCham sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam đạt được những tiến bộ này", ông Alain Cany khẳng định.

Nhận xét về tiến độ của việc triển khai EVFTA, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, EVFTA là động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy công nghệ và chuyên môn, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng tiềm năng còn rất nhiều, đặc biệt nếu các khuyến nghị hiện thực hóa.

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, trước tình hình kinh tế khó khăn của năm 2022 và những dự báo cho thấy sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2023, chúng ta buộc phải có hành động quyết đoán để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Sách Trắng mới phát hành đóng vai trò là công cụ quan trọng trong quá trình nỗ lực này.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là quy trình xin thị thực làm việc phức tạp cho các chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, các chuyên gia nước ngoài gặp rất nhiều trở ngại và phải nhận được sự chấp thuận của các cấp chính quyền mới được phép làm việc trong nước. Nếu quy trình được đơn giản hóa và minh bạch hơn, các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn hơn.

"Để thực sự mang lại thay đổi tích cực, chúng tôi kêu gọi cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét khắc phục không chỉ những vấn đề này mà còn nhiều thách thức khác mà chúng tôi đã nêu trong Sách Trắng của mình", ông Jean-Jacques Bouflet nói.

Trong Sách Trắng, các chuyên gia, nhà quản lý của Eurocham cũng phân tích một số vấn đề cụ thể về các mặt của kinh tế Việt Nam.

Về vấn đề kỹ thuật số, chuyên gia của EuroCham cho rằng, năm 2023 đánh dấu một năm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam về kỹ thuật số với các công cụ chính đang được triển khai bao gồm dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Sách trắng phản ánh những phát triển năng động của Việt Nam đồng thời chia sẻ quan điểm của các thành viên và các đề xuất thực tế phản ánh các thông lệ quốc tế tốt nhất.

"Chúng tôi khuyến nghị hài hòa các điều khoản bảo vệ dữ liệu cá nhân tại địa phương với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU và luật của các khu vực tài phán khác; tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu xuyên biên giới miễn phí; công nhận chứng chỉ quốc tế cho chữ ký điện tử. Luôn đánh giá cao tính thiết thực của Chính phủ, chúng tôi hy vọng rằng việc tiếp tục đối thoại sẽ loại bỏ những rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và cuối cùng là đưa Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số của khu vực", các chuyên gia nhận định.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Sách Trắng nhận định: Việt Nam đang định vị mình là nhà sản xuất lương thực hàng đầu ở Đông Nam Á, với thành tích đã được chứng minh trong việc trồng lúa, trái cây và rau quả, thịt và hải sản. 

Mục tiêu của các đề xuất trong Sách Trắng là xây dựng dựa trên thành công này. Việc thực thi EVFTA mang đến cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quỹ đạo này, vì nó làm giảm các rào cản thương mại và hỗ trợ Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Sự gia nhập của các công ty thực phẩm châu Âu tại thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Việc thực hành sản xuất lương thực với cách tiếp cận bảo đảm an toàn sức khỏe là điều cần thiết, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu. Mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng đối với sản xuất thực phẩm xanh và bền vững mang đến một bối cảnh đầy hứa hẹn cho các dự án kinh doanh, bằng chứng là sự thành công của Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, các chuyên gia của EuroCham nhận định: Khi kinh tế Việt Nam phát triển, các mối đe dọa cho môi trường cũng tăng theo. Trong bối cảnh đó, EuroCham cam kết thúc đẩy tăng trưởng bền vững đồng thời bảo vệ môi trường.

"Vì lý do này, chúng tôi đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng các chính sách trong Sách Trắng nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Chúng tôi ủng hộ không chỉ thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, mà còn cải thiện các nỗ lực tái chế, đặc biệt là liên quan đến nhựa. Chúng tôi cũng đưa ra các chính sách thúc đẩy việc triển khai các tòa nhà thông minh tiết kiệm năng lượng để giảm ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng, cũng như các biện pháp quản lý nước tốt hơn - bao gồm quản lý tài nguyên nước - để chống lại tác động của biến đổi khí hậu", các chuyên gia của EuroCham chia sẻ.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kể từ năm 1998, bao gồm các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến các công ty đa quốc gia và có mạng lưới đối tác rộng lớn tại cả Việt Nam và châu Âu. Tổ chức này đóng vai trò là cầu nối cho các công ty châu Âu quan tâm đến thị trường Việt Nam và các công ty Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng thị trường châu Âu, giúp cả hai cùng khai thác tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Với hơn 1.300 thành viên, EuroCham trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Huy Thắng