Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành NN&PTNT diễn ra hôm nay (13/1).
Ghi nhận những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định ngành văn hóa, thể thao và du lịch luôn đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn.
Nhờ đẩy mạnh các mô hình sản xuất trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng sinh thái ngày càng phát triển, sản phẩm của ngành nông nghiệp đã thành các sản phẩm OCOP qua bàn tay tài hoa của nông dân.
"Sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa. Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP còn mua cả giá trị văn hóa kết tinh trong đó chứ không chỉ có giá trị vật chất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây sẽ là động lực để hai bộ kết nối, liên kết để phát triển ngành nông nghiệp có giá trị văn hóa cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất hai bộ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới để "nông thôn là nơi đáng đến đáng về".
"Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua chúng ta đã kiến tạo và đề xuất được nhiều giải pháp nhưng công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch nông thôn ra thế giới còn khiêm tốn, do vậy hai bộ cần đẩy mạnh liên kết để có nhiều sản phẩm về du lịch gắn với nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Câu chuyện ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái nêu lên tại hội nghị đã minh chứng khá rõ cho việc kết hợp nông nghiệp với văn hóa giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thế Phước cho biết ngoài những chính sách chung hỗ trợ cho nông nghiệp do Chính phủ đề ra, Yên Bái đã ban hành riêng 16 nhóm chính sách hỗ trợ thông qua các chuỗi giá trị. Hiện 37 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Thế Phước thông tin: "Với diện tích hơn 800 ha trồng chè, một trong những mô hình nổi bật của Yên Bái là phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái. Thông qua mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Qua đó, năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Cụ thể là 1,5 triệu lượt khách".
Ông Phước cho biết, năm 2022, địa phương cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.
Ngoài ra, năm vừa qua, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% sản phẩm OCOP địa phương đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó nâng cao sức tiêu thụ.
"Yên Bái đang thực hiện quản lý diện tích rừng lớn với hơn 50% diện tích là rừng tự nhiên. Đời sống người dân hiện chủ yếu dựa vào mức gia khoán bảo vệ rừng và vẫn còn thấp", ông Phước nói. Theo đó, đại diện tỉnh Yên Bái đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu với Chính phủ xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng cho người dân lên mức 1 triệu đồng/ha; đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon và có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.
Đỗ Hương