Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
LTS: Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 vừa qua, cùng với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện và ngay sau đó là chuyến công tác Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại, đầu tư với các đối tác đã được ký kết trong các lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ chip bán dẫn.
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với nguồn lực kinh nghiệm, công nghệ, tài chính và thị trường chíp bán dẫn hàng đầu thế giới, từ đó nâng cao được vị trí của mình trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu và mở ra những thời cơ mới cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.
Tuy nhiên cơ hội luôn song hành với thách thức, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội như nào để không bỏ lỡ thời cơ và sẵn sàng đón "sóng" đầu tư.
Từ những khảo sát thực tế tại khu công nghệ cao, tại các địa phương cùng những cuộc trao đổi với các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học, Báo điện tử Chính phủ thực hiện loạt bài với chủ đề "Sẵn sàng đón 'sóng' đầu tư, không để lỡ thời cơ những ngành, lĩnh vực mới nổi" nhằm cung cấp cho độc giả một góc nhìn, nhận diện những cơ hội, thách thức, đồng thời đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để Việt Nam gia nhập đường đua bán dẫn toàn cầu.
Sau 35 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, dần phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.
Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng nỗ lực cả từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua, cùng với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, và ngay sau đó là chuyến công tác Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại, đầu tư với các đối tác đã được ký kết trong các lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ chip bán dẫn.
Những nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ cũng đã đưa ra cam kết về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận với nguồn lực kinh nghiệm, công nghệ, tài chính và thị trường chíp bán dẫn hàng đầu thế giới, từ đó nâng cao được vị trí của mình trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu và mở ra những thời cơ mới cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: "Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn". Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Thực tế, với lợi thế riêng, Khu CNC Hòa Lạc đang có các điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư từ vị trí địa lý lý tưởng đến việc bảo đảm điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ nói chung, doanh nghiệp bán dẫn nói riêng, tham gia vào các mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu, ươm tạo và sản xuất công nghệ cao.
Về tầm nhìn, Khu CNC Hòa Lạc được định hướng không chỉ đơn thuần là một khu vực công nghiệp-dịch vụ chuyên biệt mà trở thành một thành phố khoa học tiên tiến, có vai trò là vùng lõi của đô thị vệ tinh phía tây Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và sẽ sớm hình thành trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Khu CNC Hòa Lạc đang được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam, bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất…
Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), NIC.
Bước đầu trong Khu CNC đã hình thành mối liên kết giữa cơ sở đào tạo-đơn vị nghiên cứu-doanh nghiệp sản xuất, trong đó một số đơn vị, tổ chức nghiên cứu có thể tiếp nhận ý tưởng từ cơ sở đào tạo để phát triển nghiên cứu hoặc phát triển những đề tài nghiên cứu trên cơ sở nhu cầu thị trường, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Khu CNC Hòa Lạc đang có mạng lưới hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia, hiện đang là thành viên chính thức của tổ chức quốc tế như Hiệp hội các khu khoa học châu Á (ASPA), Hiệp hội các khu khoa học quốc tế (IASP) hoặc đã ký kết hợp tác với các tổ chức về công nghệ như Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)… Đó là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức trong Khu có thể tiếp cận nguồn lực về kinh nghiệm, tri thức, tài chính từ các đối tác trên thế giới.
Đặc biệt, với sự phát triển của ngành công nghệ cao không thể thiếu sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, lao động lành nghề. Ở khía cạnh này, Khu CNC Hòa Lạc có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện trong Khu đã có Trường Đại học FPT đang đào tạo cho khoảng gần 10.000 sinh viên về các ngành công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn. Một số trường đại học đang trong quá trình xây dựng…
Ngay kế bên Khu CNC Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong hai đại học lớn nhất của Việt Nam, sẽ là khu vực quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho các dự án tại Khu CNC Hòa Lạc trong tương lai.
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Ban Quản lý luôn quan tâm đến việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục theo tinh thần kiến tạo, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác tham gia hợp tác, đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.
"Chúng tôi cam kết đồng hành xuyên suốt và hỗ trợ tích cực cho quá trình đầu tư và hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư tại Khu, với phương châm "cùng thắng, cùng có lợi", ông Trần Đắc Trung nói.
Dễ dàng nhận thấy, rất nhiều cơ hội đang mở ra cho Việt Nam trong phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, nhưng để nắm bắt, tận dụng được cơ hội này sẽ cần vượt qua không ít thách thức.
Đối với các khu CNC, đại diện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho rằng, sẽ cần một chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó định vị vai trò của các Khu CNC trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam để phát huy được lợi thế của các Khu CNC như những trung tâm nghiên cứu-phát triển và sản xuất giá trị cao, cạnh tranh phù hợp với các khu vực kinh tế khác.
Thứ hai, ngành bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nên rất cần những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội cho lĩnh vực này. Một mặt, Nhà nước cần dành nguồn lực ưu tiên để thúc đẩy các doanh nghiệp bán dẫn nội địa vốn đang còn non trẻ, mặt khác cần đưa ra những ưu đãi hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đây là đòi hỏi rất cấp bách trong bối cảnh chính sách thuế toàn cầu đang có những thay đổi và các quốc gia trong khu vực đang ban hành những chính sách mới để nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Và các Khu CNC chính là nơi phù hợp để có thể thí điểm hoặc áp dụng ưu tiên những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù cho các ngành công nghệ cao.
Thứ ba, yếu tố quan trọng bậc nhất trong ngành bán dẫn là nhân lực. Tiềm năng con người của Việt Nam là rất lớn nhưng nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản về công nghệ chíp, vi mạch hiện nay vẫn còn thiếu.
Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 lao động, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đối với các Khu CNC, vấn đề đặt ra là làm sao để kết nối với các cơ sở đào tạo cũng như có chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho các ngành công nghệ cao nói chung, công nghệ bán dẫn nói riêng.
Để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ và đón làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, với việc tuân thủ quy định về áp thuế tối thiểu toàn cầu, sắp tới, Khu CNC Hòa Lạc đang đề xuất với cấp có thẩm quyền để đưa ra những cơ chế, biện pháp hỗ trợ "ngoài thuế" cho nhà đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, ví dụ như hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, hoạt động R&D, hỗ trợ khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó sẽ quy định những ưu đãi và hỗ trợ đặc thù dành cho Khu CNC Hòa Lạc như: Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)…
Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đang bổ sung một số cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc vào dự thảo Nghị định mới trình Chính phủ trong năm nay. Như vậy, trong quá trình xây dựng các chính sách mới, Khu CNC Hòa Lạc hy vọng sẽ được ưu tiên áp dụng hoặc thí điểm các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất để thúc đẩy Khu CNC Hòa Lạc phát triển xứng tầm là Khu CNC trọng điểm của quốc gia.
Hoàng Giang
Còn tiếp