• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Sẵn sàng tái khởi động dự án điện hạt nhân

(Chinhphu.vn) - Trở lại với điện hạt nhân là lựa chọn của nhiều quốc gia từng muốn giảm bớt và dần loại bỏ việc sử dụng nguồn năng lượng này. Việt Nam kiên định mục tiêu Net Zero vào năm 2050, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, nên việc tái khởi động điện hạt nhân vừa cần thiết với Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế thế giới.

07/12/2024 10:06
Sẵn sàng tái khởi động dự án điện hạt nhân- Ảnh 1.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này.

Ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạ nhân. Trước đó một ngày, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Có thể nói, Việt Nam đã bước qua được những e dè trước đó với nguồn cung năng lượng bền vững với giá cả hợp lý này. Trên thực tế, đối với Việt Nam, đây là một lựa chọn cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam phải đạt khoảng 150 GW, đồng nghĩa, mỗi năm cần đưa trên 10 GW nguồn điện mới vào vận hành. Đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện từ 490,529-573,129 GW.

Dù theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam ước tính có 1,2 terawatt tiềm năng năng lượng tái tạo, gấp 15 lần công suất lắp đặt hiện tại, nhưng theo chuyên gia, tại những địa điểm thuận lợi, dễ dàng xây dựng nhà máy, chúng ta đã có dự án. Ngoài ra, đặc điểm không ổn định, độ tin cậy thấp của năng lượng sạch, như điện gió, điện mặt trời… khiến ở bất cứ quốc gia nào, phần cung năng lượng này chỉ được chiếm một tỉ lệ nhất định trong hệ thống nguồn cung điện năng.

Trong khi đó, việc bù đắp nguồn cung từ nhiệt điện than là một thách thức khác trước yêu cầu phát thải Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết. Do đó, bắt buộc phải chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang các dạng năng lượng xanh, như sinh khối, amoniac xanh, hydro xanh, khí thiên nhiên.

Sẵn sàng tái khởi động dự án điện hạt nhân- Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: VGP/Hoàng Hạnh

Theo PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhìn vào bức tranh năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu chúng ta không quan tâm tới điện hạt nhân thì sẽ không đủ nguồn cung điện đáp ứng cho nhu cầu dân sinh và sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân có thể dùng để chạy nền cho đồ thị phụ tải của quốc gia, thay thế cho các nhà máy nhiệt điện than truyền thống.

Về công nghệ, vị chuyên gia cho rằng chúng ta có thể hợp tác với các quốc gia phát triển để nhập, học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Liên quan tới những lo ngại về rủi ro hay sự cố khi vận hành các nhà máy điện hạt nhân, thực tế là nhiều lò hạt nhân thiết kế thế hệ 2 và 3 vẫn vận hành an toàn ở nhiều nước. Các lò đang xây dựng dựa trên thiết kế mới nhất của thế hệ 3+, đáp ứng các yêu cầu còn khắt khe hơn.

Nguồn nhân lực cho điện hạt nhân là bài toán được đặt ra ngay từ khi Việt Nam lần đầu tiên nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2009. Theo thông tin từ lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong 50 năm qua, Việt Nam đã đào tạo đội ngũ cán bộ hạt nhân khoảng 1.000 người. Từ năm 2005 đến năm 2020, có khoảng 400 cán bộ điện hạt nhân được đào tạo.

Một nghiên cứu về nguồn nhân lực của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (World Nuclear Association) cho thấy, để vận hành một lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy, cần từ 400-700 nhân lực toàn thời gian. Để đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động, ước tính cần chuẩn bị khoảng 12-15 năm và đây chính là khoảng thời gian để chúng ta chuẩn bị thêm về nguồn nhân lực, các hệ thống pháp lý, nâng cao năng lực về công nghệ, an toàn điện hạt nhân…

Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku, Azerbaijan, thêm 6 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ký "Tuyên bố về tăng gấp 3 năng lượng hạt nhân, nâng tổng số quốc gia/vùng lãnh thổ cam kết tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân vào năm 2050 lên 31. Các nước phát triển, như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… cũng nằm trong danh sách này.

Xu hướng trở lại với điện hạt nhân của thế giới là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng nhằm đẩy nhanh quá trình đào tạo nhân lực, lựa chọn và tiếp thu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến. Với quyết tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo cao nhất, mục tiêu sử dụng điện hạt nhân an toàn, tiến tới học hỏi và làm chủ công nghệ của Việt Nam chắc chắn sẽ khả thi.

Hoàng Hạnh